Quyển 04: Những câu hỏi Thiền Tông – Tập 2
✍️ Mục lục: Quyển 04: Những câu hỏi Thiền Tông – Tập 2
VỊ THỨ 29
Ông Triệu Chí Trung, sanh năm 1945, tại Hà Đông, Hà Nội. Cư ngụ tại thành phố San Diego, nam California, Hoa Kỳ, hỏi 4 câu như sau:
Câu 1: Đạo Phật là đạo từ bi, sao trong Phật Tánh không nói đến?
Câu 2: Đạo Phật là đạo Giác Ngộ và Giải Thoát, người muốn tu Giác Ngộ Giải Thoát phải dụng công tu thì mới có thành quả được. Tại sao tu theo Thiền Tông không cho dụng công?
Câu 3: Đức Phật dạy đạo có đầy đủ các loại kinh, sao các vị Tổ sư Thiền Tông nói là Pháp môn tu Thiền Tông này truyền ngoài Giáo Lý, tức ngoài kinh điển?
Câu 4: Tại sao loài Người thích mâu thuẫn với nhau, sao không chịu hòa thuận với nhau để sống?
Trưởng Ban trả lời:
Câu 1: Đạo Phật là đạo từ bi, cái từ bi mà chúng ta biết, Đức Phật hoặc chư vị Bồ tát sử dụng, là vì quý Ngài dùng Tâm Vật lý của quý Ngài giúp đỡ chúng sinh.
Vì trong Phật Tánh không có tâm, nên trong Phật Tánh không có từ bi, mà từ bi chúng ta nghe nói là từ bi của Vật lý, nên cái từ bi này bị sinh diệt.
Câu 2: Chủ trương tột cùng của đạo Phật là Giác Ngộ để được Giải Thoát. Đây là sự hiểu biết bình thường của những vị tu theo đạo Phật.
Chúng tôi xin phân tích rõ, Tự nhiên ông sẽ biết tại sao tu theo Thiền Tông không được phép dụng công, nhờ không dụng công mới Giải Thoát được.
Chúng tôi xin ví dụ như sau:
– Trong Phật Tánh có 6 thứ căn bản như sau: 1- Ý, 2- Thấy, 3- Nghe, 4- Pháp, tức tiếng, 5- Điện Từ Quang, 6- Biết.
Sáu thứ trên nó là Tự nhiên như vậy, Đức Phật gọi là Chân Như, tức cái Như Như chân thật.
– Trong Tánh Vật lý của một con người có đến 16 thứ như sau: 1- Thọ, 2- Tưởng, 3- Hành, 4- Thức, 5- Tài, 6- sắc, 7-Danh, 8- Thực, 9- Thuỳ, 10- Tham, 11- Sân, 12- Si, 13- Mạn, 14- Nghi, 15- Ác, 16- Kiến.
– Nơi Phật Tánh có 6 thứ, là gốc của Phật Tánh.
– Nơi Thế Giới Dục giới Vật lý, con người nơi trần gian này có 16 thứ như nêu trên.
Chúng tôi xin nói thật rõ:
1. Trong Phật Tánh cấu tạo bằng Điện Từ Quang và Ý thôi.
2. Còn nơi Thế Giới Dục giới này, cấu tạo bằng điện từ Âm Dương, điện từ Âm Dương là loại điện từ luân chuyển theo dòng: Thành – Trụ – Hoại – Diệt, Đức Phật gọi là Luân hồi. Đây là Quy luật của nó.
Như vậy, ông sử dụng thân và tâm của Vật lý, dụng công tu bằng cách nào để ra khỏi sức hút Vật lý Âm Dương đây?
Vừa nghe Trưởng Ban phân tích đến đây, ông Triệu Chí Trung tiếp lời Trưởng Ban và nói:
Trưởng Ban nêu 6 thứ trong Phật Tánh và 16 thứ trong Tánh Người. Đến đây chúng tôi đã hiểu thật rõ, vậy tôi xin trình bày chỗ hiểu biết của tôi như sau, xin Trưởng Ban kiểm chứng, cám ơn, ông Triệu Chí Trung nói 2 ý như sau:
1- Ai muốn Luân hồi thì cứ sử dụng những thứ trong Vật lý.
2- Ai muốn ra ngoài Luân hồi thì sử dụng Ý của Phật Tánh.
Chỉ có đơn giản như vậy thôi.
Trưởng Ban khen:
– Như vậy ông đã biết chính xác Pháp môn tu Thiền Tông Nhà Phật rồi đó.
Câu 3: Các kinh hiện nay mà chúng ta học, đọc, là Đức Phật sử dụng Tâm Vật lý của Ngài giảng dạy cho chúng sinh thời đó và hậu nhân như chúng ta. Bất cứ ai cứ chăm chú vào kinh để giảng nói, đều là bị kinh cột trói cả.
Chỗ cột trói này, Đức Lục Tổ có dạy ông Pháp Đạt như sau: “Ông đọc hay tụng kinh, mà không hiểu ý kinh, là ông bị kinh chuyển, tức bị kinh chuyển đi theo kinh, đồng nghĩa là kinh cột trói ông vậy”.
Vì chỗ bí hiểm này, nên khó có người nhận ra được, đồng nghĩa các vị không biết, nên tưởng tượng ra để giảng. Vì giảng không đúng với lời của Đức Phật dạy, nên các Ngài đi dạy một thời gian dài mà không ai biết Giác Ngộ là gì, nên quý vị giảng như sau:
1. Nghiệp là thói quen!
2. Kiến Tánh là nhận định!
3. Biệt truyền là nói đông phải hiểu tây!
Có nhiều vị đi giảng 50 năm, mà chưa giúp được 1 người Giác Ngộ, còn Giải Thoát thì rất xa vời!
Có nhiều vị giảng mấy ngàn người đến nghe, suốt một thời gian thật dài, nhưng cũng chưa thấy ai biết được Phật Tánh của mình là gì! Đã không biết Phật Tánh thì làm sao trở về sống với Phật Tánh của chính mình được?
Câu 4: Câu này quá ư là đơn giản, ai có quyền thế cho Ngã mình là hơn hết, còn người không quyền thế cho mình là yếu kém, thích phục tùng người khác, nên không phát huy được Phật Tánh của chính mình. Vì 2 thái cực nói trên nên ở Thế Giới Dục giới này không khi nào hòa hợp được.
Ông Triệu Chí Trung ngồi nghe Trưởng Ban giải thích không biết ông cảm nhận như thế nào mà nước mắt của ông chảy ra rất nhiều, khi ông nghe hết 4 câu hỏi của mình, ông có làm bài thơ 48 câu như sau để cám ơn Trưởng Ban:
Tuy tôi ở tận quê xa
Đến nơi quê vắng nhận ra Niết bàn
Tôi nay đã được bình an
Ở nơi Tân Diệu có ngàn hạt châu.
Xưa kia tôi nguyện tôi cầu
Nay đến Tân Diệu cúi đầu mà nghe
Biết được Tánh Thấy là bè
Giúp tôi Giải Thoát không ghe không thuyền.
Tôi nay đã hết đảo điên!
Những lời Thầy dạy ở miền quê xưa
Thiền Tông Tân Diệu sớm trưa
Chỉ cần yên lặng không ưa Niết bàn.
Tức khắc hết khổ hết nan
Không ngờ Tân Diệu chỉ đàng về quê
Quê xưa chỉ một đường về
Không cần Thiền định không hề dụng công.
Ngày xưa tôi nguyện tôi mong
Tôi cầu, tôi khẩn, tôi mong Niết bàn
Hành Thiền thật khổ gian nan
Mười năm khổ hạnh họ hàng cười chê.
Tân Diệu, Chùa ở miền quê
Chỉ rõ đường về lời dạy Thích Ca
Huệ Phong Thầy đã chỉ ra
Vào được Bể Tánh, vượt qua Luân hồi!
Phật ôi! Con đã biết “Thôi”
Luân hồi Vật lý lìa rồi với con
Vật lý nơi con không còn
Đi tìm, đi kiếm, mong bòn phước duyên.
Thiền Tông Tân Diệu rất thiêng
Lời vàng ý ngọc, con liền nhận ngay
Hôm nay, tại điện Phật đài
Âm vang Thiền học, nhận ngay con mừng.
Từ đây, chính thức con “Dừng”
Luân hồi sinh tử, đã “Dừng” với con
Tại đây, con nguyện lòng son
Nương theo Thiền học không còn trầm luân.
Phật ôi! Con khóc vì mừng
Mừng vì sinh tử đã “Dừng” với con
Thiền Tông Tân Diệu vàng son
Nhờ Thầy chỉ dạy, con về quê xưa.
Dù cho sớm, tối, chiều, trưa
Lúc nào cũng nhớ lời xưa Phật truyền
Tuy con nay ở viễn miền
Thiền Tông chánh thức đã truyền đến đây.
Lại nhờ lời dạy của Thầy
Con nhận Phật Tánh, ngất ngây Niết bàn
Quê xưa thật sự bình an
Không cần tìm kiếm Niết bàn hiện ra.
Tất cả những vị có mặt nghe ông Triệu Chí Trung ngâm bài thơ 48 câu, lời ông ngâm rất nghẹn ngào, ai ai cũng khen rất hay, trong đó có ngưòi cảm động, và cũng có người khóc.
Video (Trích đoạn)
✍️ Mục lục: Quyển 04: Những câu hỏi Thiền Tông – Tập 2 👉 Xem tiếp