Sách Tâm Linh

Sấm Sét và Tâm Linh

Thần Sét có mắt và Nhân – Quả

⭐️ Người xưa cho rằng, vạn vật trên thế gian đều là do các vị Thần điều khiển, chẳng hạn như Sấm – Sét, điện, nước, lửa, gió… không gì là không được các vị Thần quản lý. Vì vậy mà có Thần Sấm, Thần điện, Thần nước, Thần lửa, Thần gió…

Tương truyền, Lôi Công (Thần Sấm – Sét) có hai cánh trên lưng, trên trán có ba mắt, mặt đỏ bừng bừng, bàn chân như móng vuốt chim ưng, tay trái nắm cái nêm còn tay phải cầm chùy. Ông là một vị Thần có thể phân biệt thiện và ác trên thế gian, thay Trời thi hành luật pháp, trừng phạt những kẻ làm điều ác.

Vì vậy, dân gian vẫn luôn tin rằng, khi có người hoặc động vật bị Sét đánh thì nguyên nhân phần lớn nhất định là do Lôi Công đang trừng gian phạt ác. Trong các sách sử có ghi chép lại rất nhiều câu chuyện nhân quả dẫn tới bị Sét đánh.

Người họ Kim bị Sấm – Sét đuổi khỏi thuyền, may mắn tránh được tai họa

Thời nhà Thanh, tại vùng Trấn Giang thường có thuyền đò qua lại. Một hôm, khi một chiếc thuyền đã chở đủ lượng người đang chuẩn bị khởi hành, đột nhiên Sấm chớp rền vang đồng thời đánh xuống xung quanh chiếc thuyền, trong ánh chớp của tia Sét dường như hiện lên một chữ “Kim”. Hành khách trên thuyền đoán rằng đây là Thần Sét đang giận dữ  người họ Kim, vì thế có người hô lớn: “Người nào họ Kim? Mời nhanh lên bờ, tránh liên lụy chúng tôi.”

Trên thuyền có một người họ Kim biết mình không thể nào tránh được, chỉ đành khóc mà rời khỏi thuyền, vừa đi vừa lo sợ hãi hùng. Sau khi người họ Kim rời khỏi thuyền, Sấm chớp dường như ít hơn một chút. Hành khách trên thuyền thở phào cho rằng đã ổn rồi, liền bảo nhà thuyền lập tức khởi hành.

Ai có thể ngờ rằng, khi thuyền đến giữa sông thì một trận cuồng phong ập tới, trong nháy mắt chiếc thuyền bị lật úp. Toàn bộ hành khách trên thuyền đều chết đuối, chỉ có người họ Kim kia đã xuống thuyền nên may mắn tránh được nạn. Hóa ra, dụng ý của chữ “Kim” hiển hiện trong trận Sấm – Sét trước khi thuyền khởi hành là để đuổi người họ Kim xuống thuyền, chính là muốn lưu lại một mình người này mà thôi.

Thần sét có mắt, đằng sau cảnh báo sét đánh tất có nhân quả
Vùng Trấn Giang thường có thuyền đò qua lại. Tranh minh họa, bức “Tứ chu huyên độ” của Trương Khải Tổ thời Minh. (Ảnh: Tài sản công)

Sét đánh chết ba mươi sáu con heo, duy nhất một con còn sống

Năm Quý Sửu (năm 1673) thời Khang Hy triều Thanh, ở huyện Thượng Hải có người dùng bạc giả mua 36 con heo. Ngoài ra còn có người khác giao cho người này 400 đồng tiền nhờ mua giúp mình một con heo, tổng cộng 37 con heo được đưa lên thuyền chở về nhà. Trong lúc thuyền đang di chuyển, đột nhiên một trận Sét đánh xuống làm bay mui thuyền, đánh chết 36 con heo, chỉ còn lại một con heo do người khác nhờ mua giúp là vẫn bình yên vô sự. Mọi người đều thấy kỳ lạ, và chuyện này hẳn là báo ứng ngay tức thời do người kia dùng bạc giả lừa người.

Lại nói về người bán heo, ông dùng số bạc bán heo đi mua đồ dùng, bị người ta phát hiện dùng bạc giả nên bị bắt đưa đến huyện nha. Huyện lệnh tra hỏi ông bạc giả từ đâu mà có, người bán heo nói là do bán heo mà có được chứ không phải do mình làm giả ra. Huyện lệnh lại hỏi ông có nhận dạng được người mua heo không, ông nói: “Mặc dù nhận dạng không ra người mua heo, cũng không biết người đó ở vùng nào, nhưng thuyền chở heo đậu ở cầu Lang Gia.”

Thế là huyện lệnh sai nha dịch điều tra các nhà thuyền, cuối cùng tìm được người mua heo, cũng nghe được chuyện heo bị Sét đánh chết. Huyện lệnh nghiêm khắc trách mắng người mua heo, đồng thời phạt ông ta đeo gông thị chúng (hình phạt đeo gông đi dạo phố cho công chúng nhìn thấy).

Thần Sét đánh tan cánh cửa, cảnh báo Tào tham tướng

Trong vùng Lâu Môn ở Tô Châu có một vị Tào Tham tướng sống ở đó. Một hôm khi còn đang là ban ngày, một tiếng Sét rền vang đánh trúng cổng nhà của Tào Tham tướng. Sau khi Sét đánh xong trên mặt đất xuất hiện một miếng gỗ lim, bên trên miếng gỗ có chữ Đại Triện màu đỏ, nhưng không ai biết được là chữ gì.

Lúc đó vừa hay Trương Thiên Sư đang trọ ở Nguyên Diệu quán, Tào Tham tướng bèn mang theo miếng gỗ lim kia đến nhờ ông đọc giúp. Sau khi xem xét, Trương Thiên Sư nói cho Tào Tham tướng rằng bên trên viết là: “Trước đây tạo nghiệp, nay gieo đức, đánh cổng nhà, để cảnh tỉnh.”

Thì ra ngày xưa Tào Tham tướng đã từng là kẻ buôn muối lậu bị trừng phạt, vì chống lại lệnh bắt giam nên đã làm bị thương rất nhiều người. Nhưng về sau ông hoàn toàn hối cải, tham gia vào quân đội ra sức lập công. Hồi đó ở vùng Cố Sơn có rất nhiều người lén lút buôn lậu, đô đốc Trương Thiên Lộc sau khi bắt được những người này thì muốn giết hết toàn bộ. Tào Tham tướng phụng lệnh thi hành đã tận lực khuyên ngăn, cầu xin chỉ giết người cầm đầu, tha tội chết cho những người còn lại. Đô đốc đã nghe theo đề nghị của ông, đây chính là “gieo đức” mà theo như chữ Đại Triện kia viết trên miếng gỗ lim.

Có lẽ nguyên nhân Thần Sét lưu lại mấy chữ Đại Triện này là muốn nói cho Tào Tham tướng biết về quan hệ nhân quả, rằng thiện ác đều có báo, nhắc nhở ông từ nay về sau nên làm nhiều việc thiện tích đức.

Thần sét có mắt, đằng sau cảnh báo sét đánh tất có nhân quả
Hồi đó ở vùng Cố Sơn có rất nhiều người lén lút buôn lậu. Tranh minh họa, một phần bức tranh “Thanh Minh thượng hà đồ” bản vẽ thời nhà Thanh. (Ảnh: Tài sản công)

Con cái bất hiếu bị Sét đánh

Vào ngày 19 tháng 5 năm Canh Dần niên hiệu Đạo Quang triều Thanh, ở vùng Tân Công, Cao Bưu (nay thuộc Dương Châu, tỉnh Giang Tô) xảy ra mưa dông Sấm – Sét lớn đan xen. Trận Sét này đã đánh chết ba người trên thuyền Thái Bình, có rất nhiều người đến xem. Ba người bị chết lần lượt là Trác Linh A, là quan ở Bắc Kinh đến Quảng Đông nhận chức Tri phủ dự khuyết, vợ của ông ấy là Quan thị, và người chèo thuyền.

Người hầu của Trác Linh A nói, tình cảm vợ chồng Trác Linh A rất tốt, duy chỉ có điều là không hiếu thuận với mẹ của mình. Ông ta bỏ mặc mẹ của mình sống riêng ở một căn nhà khác, không hề đi thăm hỏi hay chăm sóc mẹ, hơn nữa còn từng phát lời thề độc “gặp lại nhau ở Hoàng Tuyền”. Thấy thái độ của chồng như thế, Quan thị cũng chẳng quan tâm hỏi han đối với mẹ chồng. 

Khi tin tức Trác Linh A phải đi nhận chức ở Quảng Đông truyền đến tai mẹ ông, bà sai người đến nói với Trác Linh A rằng: “Hai mẹ con chúng ta nhiều năm rồi không gặp nhau, lúc này con lên đường đến nơi xa xôi như vậy nhận chức, nếu như chúng ta là hàng xóm đi chăng nữa, theo đạo lý thì con cũng nên đến gặp mẹ một lần.” Mẹ của ông là vì lo lắng mình tuổi đã cao, sợ không chờ được tới ngày con trai quay trở về. Thế nhưng, vợ chồng Trác Linh A không để ý đến lời cầu khẩn của mẹ, sớm ngày sắp xếp xe lên đường đi xa, trước khi đi vẫn là không đi thăm mẹ một chút. Đây là một chuyện nhỏ mà ông ta còn tuyệt tình như vậy, những chuyện khác thì có thể tưởng tượng được. Kết quả, hai vợ chồng này đều bị Sét đánh chết.

Còn đối với nguyên nhân cái chết của người chèo thuyền, người hầu của Trác Linh A không biết. Có người đứng xem biết nguyên nhân bèn nói, khi Trác Linh A còn ở kinh đô thì thiếu nợ tiền người khác hơn 7 vạn lượng bạc, tổng cộng có 13 chủ nợ, đều là những người chuyên cho vay ở vùng Sơn Tây, Thiểm Tây, suốt dọc đường đều đi theo Trác Linh A đòi nợ. Trác Linh A không có nhiều tiền như vậy để trả, bèn nảy ý niệm xấu. Ông ta bàn mưu kế với vợ, tìm người chèo thuyền là Quách Nguyên Lương – người mà bị Sét đánh chết – nhờ ông ta đi mua thạch tín, chuẩn bị đầu độc chết 13 người chủ nợ kia.

Quách Nguyên Lương tuy không phải là chủ mưu, nhưng anh ta biết rõ mua thạch tín là để đầu độc giết người khác, thế mà vẫn đi mua, cũng xem như là kẻ tòng phạm trong vụ án. Mặc dù âm mưu giết người của ba người họ chưa thành, nhưng ác niệm vừa xuất ra, ông Trời đã thấy được.

Học giả Uông Đạo Đỉnh thời Thanh có ghi chép lại một chuyện khác: Ở Giang Tây có người tên Giáp sống bằng nghề chăn nuôi vịt, cha của anh ta đã già, nhưng anh ta hơi một chút là chửi bới mắng nhiếc. Có một hôm, “đột nhiên Sét đánh xuống một tiếng, hất người tên Giáp té quỳ gối xuống trong sân, người trong thôn vây lại nhìn xem, thấy râu tóc, quần áo của anh ta bị lửa Sét thiêu cháy hết, thần chí đều ngây dại, không nói cũng không nhúc nhích”. Có người phát hiện dưới đáy nồi trong nhà anh ta có hàng “chữ Triện màu đỏ”, đọc được bốn chữ “lôi cảnh bất hiếu” (Sét đánh cảnh cáo tội bất hiếu). Sau khi anh ta tỉnh lại thì cảm thấy hối lỗi, từ đó ra sức sửa chữa những sai lầm trước kia, không dám bất hiếu đối với người cha già của mình nữa.

Nguồn Internet

✍️ Mục lục: Sấm – Sét và Tâm Linh 👉  Xem tiếp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *