Kinh - Kệ

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

✍️ Mục lục: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

17. PHẨM ‘PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC’

1. Lúc bấy giờ, trong đại-hội nghe Phật nói thọ-mệnh, kiếp số dài lâu như thế, vô-lượng, vô-biên, vô-số chúng-sinh được lợi ích lớn.

Khi đó, đức Thế Tôn bảo ngài Di-Lặc đại Bồ Tát: “A-Dật-Đa! Lúc ta nói đức Như-Lai thọ-mệnh dài lâu như thế, có sáu trăm tám muôn ức na-do tha hằng-hà-sa chúng-sinh được “Vô-sinh pháp-nhẫn”. (13)Lại có đại Bồ Tát nghìn lần gấp bộI được môn “văn-trì-đà-la-ni”(14). Lại có một thế-giới vi-trần số đại Bồ Tát được “Nhạo-thuyết vô-ngại biện-tài”(15). Lại có một thế-giới vi-trần số đại Bồ Tát được trăm nghìn muôn ức vô-lượng môn “Triền đà-la-ni”. Lại có tam-thiên dại-thiên thế-giới vi-trần số đại Bồ Tát chuyển được “Pháp-luân bất-thối”.

Lại có nhị-thiên trung-quốc-độ vi-trần số đại Bồ Tát chuyển được “Pháp-luân thanh-tịnh”. Lại có Thiểu-thiên quốc-độ vi-trần số đại Bồ Tát tám đời sẽ được vô-thượng chính-đẳng chính-giác. Lại có bốn Tứ-thiên-hạ (16) vi-trần số đại Bồ Tát bốn đời sẽ được chính-đẳng chính-giác. Lại có ba tứ-thiên-hạ vi-trần số đại Bồ Tát ba đời sẽ được vô-thượng chính-đẳng chính-giác. Lại có hai tứ-thiên-hạ vi-trần số đại Bồ Tát hai đời sẽ được vô-thượng chính-đẳng chính-giác. Lại có một tứ-thiên-hạ vi-trần số đại Bồ Tát một đời sẽ được vô-thượng chính-đẳng chính-giácLại có tám thế-giới vi-trần số chúng-sinh đều phát tâm vô-thượng chính-đẳng chính-giác. ”

2. Lúc đức Phật nói các vị đại Bồ Tát đó được pháp-lợi, (17) trên giữa hư-không, rưới hoa Mạn-đà-la, hoa ma-ha mạn-đà-la để rải vô-lượng trăm nghìn muôn ức các đức Phật ngồi trên tòa sư-tử dưới gốc cây báu, và rải đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật cùng đức Đa-Bửu Phật ngồi trên tòa sư-tử trong tháp bảy báu: cùng rải tất cả các đại Bồ Tát và bốn-bộ-chúng. Lại rưới bột gỗ chiên-đàn, trầm-thủy hương… trong hư-không, trốn trời tự kêu tiếng hay sâu-xa. Lại rải nghìn thứ thiên-y, thòng các chuỗi ngọc chân-châu, chuỗi châu ma-ni, chuỗi châu như-ý khắp cả chín phương, các lò hương báu đốt hương vô-giá, tự-nhiên khắp đến cúng dàng đại-chúng. Trên mỗi đức Phật có các vị Bồ Tát nắm cầm phan-lọng, thứ-đệ mà lên đến trời Phạm-thiên. Các vị Bồ Tát đó dùng tiếng tăm hay, ca vô-lượng bài tụng ngợi-khen các đức Phật. Khi ấy ngài Di-Lặc Bồ Tát từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai hữu, chắp tay hướng về phía Phật mà nói kệ rằng:

3. Phật nói pháp ít có
Từ xưa chưa từng nghe
Thế Tôn có sức lớn
Thọ-mệnh chẳng thể lường.

Vô-số các Phật-tử
Nghe Thế Tôn phân biệt
Nói được pháp-lợi đó
Vui mừng đầy khắp thân

Hoặc trụ bậc bất-thối
Hoặc được đà-la-ni
Hoặc vô-ngại nhạo-thuyết
Muôn ức triên tổng-trì.

Hoặc có cõi đại-thiên
Số vi-trần Bồ Tát
Mỗi vị đều nói được
Pháp-luân bất-thối-chuyển.

Hoặc có trung-thiên-giới
Số vi-trần Bồ Tát
Mỗi vị đều có thể
Chuyển-pháp-luân thanh-tịnh.

Lại có tiểu-thiên-giới
Số vi-trần Bồ Tát
Còn dư lại tám đời
Sẽ được thành Phật-đạo.

Lại có bốn, ba, hai
Tứ-thiên-hạ như thế
Số vi-trần Bồ Tát
Theo số đời thành Phật.

Hoặc một tứ-thiên-hạ
Số vi-trần Bồ Tát
Còn dư có một đời
Sẽ thành nhất-thiết-trí.

Hàng chúng-sinh như thế
Nghe Phật thọ dài lâu
Được vô-lượng quả-báo
Vô-lậu rất thanh-tịnh.

Lại có tám thế-giới
Số vi-trần chúng-sinh
Nghe Phật nói thọ-mệnh
Đều phát tâm vô-thượng

4. Thế Tôn nói vô-lượng
Bất-khả tư-nghì pháp
Nhiều được có lợi ích
Như hư-không vô-biên

Rưới hoa thiên mạn-đà
Hoa ma-ha mạn-đà
Thích, Phạm như hằng-sa
Vô-số cõi Phật đến

Rưới chiên-đàn trầm thủy
Lăng-xăng loạn sa xuống
Như chiêm bay liệng xuống
Rải cúng các đức Phật.

Trống trời trong hư-không
Tự-nhiên vang tiếng mầu,
Áo trời nghìn muôn thứ
Xoay-chuyển mà rơi xuống

Các lò hương đẹp báu
Đốt hương quý vô-giá
Tự-nhiên đều cùng khắp
Cúng dàng các Thế Tôn.

Chúng đại Bồ Tát kia
Cầm phan-lọng bảy báu
Cao đẹp muôn ức thứ
Thứ lớp đến Phạm-Thiên.

Trước mỗi mỗi đức Phật
Tràng báu treo phan tốt
Cũng dùng nghìn muôn kệ
Ca vịnh các Như-Lai

Như thế các món việc
Từ xưa chưa từng có
Nghe Phật thọ vô-lượng
Tất cả đều vui-nừng

Phật tiếng đồn mười-phương
Rộng lợi ích chúng-sinh
Tất cả đủ căn-lành
Để trợ tâm vô-thượng.

5. Lúc bấy giờ, Phật bảo ngài Di-Lặc đại Bồ Tát rằng: “A-Dật-Đa! Có chúng-sinh nào nghe đức Phật thọ mệnh dài lâu như thế, nhẫn đến có thể sinh một niệm tín giải, được công-đức không hạn lượng được. Nếu có thiện-nam-tử, thiện-nử-nhơn, vì đạo vô-thượng chính-đẳng chính-giác, trong tám muôn ức na-do-tha kiếp tu năm pháp ba-la-mật: bố-thí ba-la-mật, trì-giới ba-la-mật, nhẫn-nhục ba-la-mật, tinh-tấn ba-la-mật, thuyền-định ba-la-mật, trừ trí-tuệ ba-la-mật, đem công-đức này sánh vớI công-đức tín-giải trước, trăm phần, nghìn phần, trăm nghìn muôn ức phần chẳng kịp một, nhẫn đến tính đếm, thí-dụ, không thể biết được. Nếu thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn có công-đức như thế mà thối-thất nơi vô-thượng chính-đẳng chính-giác, thời quyết không có lẽ đó. Khi ấy, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

6. Nếu người cầu tuệ Phật.
Trong tám nươi muôn ức
Na-do-tha kiếp số
Tu năm ba-la-mật

Ở trong các kiếp đó
Bố-thí cúng dàng Phật
Và Duyên-giác đệ-tử
Cùng các chúng Bồ Tát,

Đồ uống ăn báu lạ
Thượng phục và đồ nằm
Chiên-đàn dựng tinh-xá
Dùng vườn rừng trang-nghiêm

Bố-thí như thế thảy
Các món đều vi-diệu
Hết các kiếp số này
Để hồi-hướng Phật đạo,

Nếu lại gìn cấm giớI
Thanh-tịnh không thiếu sót
Cầu nơi đạo vô-thượng
Được các Phật khen ngợI

Nếu lại tu nhẫn-nhục
Trụ nơi chỗ điều-nhu
Dầu các ác đến hại
Tâm đó chẳng khuynh-động

Các người có được pháp
Cưu lòng tăng-thượng-mạn
Bị bọn này khinh não
Như thế đều nhẫn được

Hoặc lại siêng tinh-tấn
Chí-niệm thường bền vững
Trong vô-lượng ức kiếp
Một lòng chẳng trể thôi.

Lại trong vô-số kiếp
Trụ nơi chỗ vắng-vẻ
Hoặc ngồi hoặc kinh-hành
Trừ ngủ thường nhiếp-tâm

Do các nhân duyên đó
Hay sinh các thuyền định,
Tám mươi ức muôn kiếp
An trụ tâm chẳng loạn

Đem phước thuyền-định đó
Nguyện cầu đạo vô-thượng
Ta được nhất-thiết-trí
Tận ngằn các thuyền định

Người đó trong trăm nghìn
Muôn ức kiếp số lâu
Tu các công-đức này
Như trên đã nói rõ.

Có thiện-nam, tín-nữ.
Nghe ta nói thọ-mệnh
Nhẫn đến một niềm tin
Phước đâ hơn phước kia

Nếu người trọn không có
Tất-cả các nghi-hối
Thân tâm giây lát tin
Phước đó nhiều như thế.

Nếu có các Bồ Tát
Vô-lượng kiếp hành đạo
Nghe ta nói thọ-mệnh
Đây thời tin nhận được

Các hàng người như thế
Đỉnh thụ kinh-điển này
Nguyện ta thuở vị-lai
Sống lâu độ chúng-sinh

Như Thế Tôn ngày nay
Vua trong các họ Thích
Đạo-tràng rền tiếng lớn
Nói pháp không sợ-sệt

Chúng ta đời vị-lai
Được mọi người tôn-kính
Lúc ngồi nơi đạo-tràng
Nói thọ-mệnh cũng thế,

Nếu có người thâm-tâm
Trong-sạch mà ngay thực
Học rộng hay tổng-trì
Tùy nghĩa giải lời Phật

Những người như thế đó
Nơi đây không có nghi.

7. Lại A-Dật-Đa! Nếu có người nghe nói đức Phật thọ-mệnh dài lâu, hiểu ý-thú của lời nói đó, người này được công-đức không có hạn-lượng, có thể sinh-tuệ vô-thượng của Như-Lai. Huống là người rộng nghe kinh này, hoặc bảo người nghe, hoặc tự chép, hoặc bảo người chép, hoặc đem hoa hương, chuỗi ngọc, tràng-phan, lọng nhiễu, dầu thơm, đèn nến cúng-dàng quyển kinh, công-đức của người này vô-lượng vô-biên có thể sinh nhất-thiết chủng-trí.

A-Dật-Đa! Nếu thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nghe ta nói thọ-mệnh dài lâu sinh lòng tin hiểu chắc, thời chính là thấy đức Phật thường ở núi Kỳ-Xà-Quật, cùng chúng Bồ Tát lớn và hàng Thanh-văn vây quanh nói pháp.

Lại thấy cõi Ta-bà này đất bằng lưu-ly ngang liền bằng phẳng, dây vàng Diêm-phù-đàn để ngăn tám nẻo đường, cây báu bày hàng, các đài lầu nhà thảy đều các thú báu hợp thành, chúng Bồ Tát đều ở trong đó. Nếu có người tưởng quán được như thế, phải biết đó là tướng tin hiểu sâu chắc.

Và lại sau đức Như-Lai diệt-độ, nếu có người nghe kinh này mà không chê bai, sinh lòng tùy-hỷ phải biết đó đã là tướng tin hiểu sâu chắc, huống là người đọc, tụng, thụ-trì kinh này, người này thời là kẻ đầu đội đức Như-Lai.

A-Dật-Đa! Thiện-nam-tử cùng thiện-nữ-nhân đó chẳng cần lại vì ta mà dựng chùa tháp, và cất Tăng-phường dùng bốn sự cúng-dàng để cúng-dàng chúng Tăng. Vì sao? Vì thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân đó thụ-trì, đọc tụng kinh điển này thời là đã dựng tháp tạo lập Tăng-phường cúng-dàng chúng tăng, thời là đem xá-lợi của Phật dựng tháp bảy báu cao rộng nhỏ lần lên đến trời Phạm-Thiên, treo các phan lọng và các linh báu, hoa, hương, chuỗi ngọc, hương bột, hương-xoa, hương đốt, các trống, kỹ nhạc, ống tiêu, ống địch, không-hầu các thứ múa chơi, dùng tiếng giọng tốt ca ngâm khen-ngợi, thời là ở trong vô-lượng nghìn muôn ức kiếp đã làm việc cúng-dàng đó rồi.

A-Dật-Đa! Nếu sau khi ta diệt-độ, nghe kinh điển này, có người hay thụ-trì, hoặc tự chép hoặc bảo người chép, đó là dựng lập Tăng-phường, dùng gỗ chiên-đàn đỏ làm các cung-điện nhà cửa ba mươi hai sở, cao bằng tám cây đa-la, cao rộng nghiêm đẹp, trăm nghìn Tỷ-khiêu ở nơi trong đó. Vườn, rừng, ao tắm, chỗ kinh-hành, hang ngồi thuyền, y-phục đồ uống ăn, giường nệm, thuốc thang tất cả đồ vui dẫy-đầy trong đó, Tăng-phường có ngần ấy trăm nghìn muôn ức nhà gác như thế, số đó nhiều vô-lượng, dùng để hiện tiền cúng-dàng nơi ta và Tỷ-khiêu tăng.

Cho nên ta nói: Sau khi Như-Lai diệt-độ nếu có người thụ-trì, đọc tụng, vì người khác nói. Hoặc mình chép hoặc bảo người chép, cúng-dàng kinh quyển thời chẳng cần lại dựng chùa tháp và tạo lập Tăng-phường cúng-dàng chúng Tăng. Huống lại có người hay thụ-trì kinh này mà gồm tu-hành bố-thí, trì-giới, nhẫn-nhục tinh-tấn, nhất-tâm, trí-tuệ, công-đức của người đây rất thù-thắng vô-lượng vô-biên.

Thí như hư-không, đông, tây, nam, bắc, bốn phía trên, dưới vô-lượng vô-biên, công-đức của người đó cũng lại như thế vô-lượng vô-biên mau đến bậc nhất-thiết chủng-trí. Nếu có người đọc tụng thụ-trì kinh này vì người khác nói, hoặc tự chép, hoặc bảo người chép, lại có thể dựng tháp cùng tạo lập Tăng-phường cúng-dàng khen-ngợi chúng Thanh-văn-tăng, cũng dùng trăm nghìn muôn pháp ngợi-khen mà ngợi-khen công-đức của Bồ Tát.

Lại vì người khác dùng các món nhân duyên theo nghĩa giải nói kinh Pháp-Hoa này, lại có thể thanh-tịnh trì-giới cùng người nhu-hòa mà chung cùng ở, nhẫn-nhục không sân, chí niệm bền vững, thường quý ngồi thuyền được các món định sâu, tinh-tấn mạnh-mẽ nhiếp các pháp lành, căn lành trí-sáng, giỏi gạn hỏi đáp.

A-Dật-Đa! Nếu sau khi ta diệt-độ các thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân thụ-trì, đọc tụng kinh điển này lại có các công-đức lành như thế, phải biết người đó đã đến đạo-tràng gần vô-thượng chính-đẳng chính-giác ngồi dưới gốc đạo-thụ.

A-Dật-Đa! Chỗ của thiện-nam-tử cùng thiện-nữ-nhân đó hoặc ngồi, hoặc đứng, hoặc đi, trong đó bèn nên xây tháp, tất cả trời người đều phải cúng-dàng như tháp của Phật. Khi ấy, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

8. Sau khi ta diệt độ
Hay phụng trì kinh này
Người đó phúc vô-lượng
Như trên đã nói rõ.

Đó thời là đầy-đủ
Tất cả các cúng-dàng
Dùng xá-lợi xây tháp
Bảy báu để trang-nghiêm.

Chùa-chiền rất cao rộng
Nhỏ lần đến Phạm-thiên
Linh báu nghìn muôn ức
Gió động vang tiếng mầu,

Lại trong vô-lượng kiếp
Mà cúng-dàng tháp đó
Hoa hương, các chuỗi ngọc
Thiên-y, các kỹ-nhạc

Thắp đèn dầu nến thơm
Quanh khắp thường soi sáng,
Lúc đời ác mạt-pháp
Người hay trì kinh này

Thời là đã đầy đủ
Các cúng-dàng như trên.
Nếu hay trì kinh này
Thời như Phật hiện-tại

Dùng ngưu-đầu chiên-đàn
Dựng Tăng-phường cúng-dàng
Nhà ba mươi hai sở
Cao tám cây Đa-la

Đồ ngon y-phục tốt
Giường nằm đều đầy đủ.
Trăm nghìn chúng nương ở
Vườn rừng các ao tắm

Chỗ kinh-hành, ngồi thuyền
Các món đều nghiêm tốt.
Nếu có lòng tín hiểu
Thụ-trì, đọc tụng biên

Nếu lại bảo người biên
Và cúng-dàng kinh quyển.
Rải hoa hương, hương bột
Dùng tu-mạn, chiêm-bặc

A-đề, mục-đa-dà
Ướp dầu thường đốt đó
Người cúng-dàng như thế
Được công-đức vô-lượng

Như hư-không vô-biên
Phước đó cũng như thế.
Huống lại trì kinh này
Gồm bố-thí trì-giới,

Nhẫn-nhục ưa thuyền-định
Chẳng sân, chẳng ác khẩu
Cung-kính nơi tháp miếu
Khiêm-hạ các Tỷ-khiêu

Xa lìa tâm tự cao
Thường nghĩ suy trí-tuệ,
Có gạn hỏi chẳng sân
Tùy-thuận vì giải nói

Nếu làm được hạnh đó
Công-đức chẳng lường được.
Nếu thấy Pháp-sư này
Nên công-đức như thế

Phải dùng hoa trời rải
Áo trời trùm thân kia
Đầu mặt tiếp chân lạy
Sinh lòng tưởng như Phật,

Lại nên nghĩ thế này:
Chẳng lâu đến đạo-thụ
Được vô-lậu vô-vi
Rộng lợi các người trời

Chỗ trụ chỉ của kia
Kinh-hành hoặc ngồi nằm
Nhẫn đến nói một kệ
Trong đây nên xây tháp

Trang-nghiêm cho tốt đẹp
Các món đem cúng-dàng,
Phật-tử ở chỗ này
Thời là Phật thụ dụng

Thường ở nơi trong đó
Kinh-hành và ngồi nằm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *