Sách Tâm Linh

Luân Hồi – Chuyển Kiếp

✍️ Mục lục: Luân Hồi – Chuyển Kiếp

Bé gái 4 tuổi nhớ được tiền kiếp, vợ chồng tái ngộ

Shanti Devi sinh năm 1926 tại thành phố Delhi, Ấn Độ và mất năm 1987, cả đời sống độc thân không kết hôn. Bà tốt nghiệp ở viện nghiên cứu tại trường Đại học Punjab ở Ấn Độ và từng giảng dạy tại học viện khoa học và nghệ thuật dành cho Nữ, đại học Delhi. Cuộc đời 62 tuổi của bà vẫn luôn là chủ đề nghiên cứu về luân hồi chuyển thế.

Năm 1960, bà đến giảng dạy theo lời mời của Học hội luân hồi Thụy Sĩ. Trường hợp luân hồi của bà đã thu hút sự chú ý của hàng trăm nhà nghiên cứu Ấn Độ và trên toàn thế giới. Năm Devi lên 9 tuổi, Mahatma Gandhi (người đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ) đã chỉ định một ủy ban gồm 15 cá nhân xuất sắc (bao gồm các nghị sĩ, quan chức cấp cao và các thành viên trong giới truyền thông) nghiên cứu trường hợp luân hồi của Devi. Tiến sĩ Ian Stevenson, một chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu luân hồi tại trường Đại học Virginia của Hoa Kỳ cũng đã tìm hiểu và nghiên cứu về trường hợp này.

Tiến sĩ K.S. Rawat cũng đã phỏng vấn Devi và nhiều người ở thành phố Delhi, Mathura và Jaipur liên quan đến trường hợp luân hồi của Devi, bao gồm rất nhiều người thân và bạn bè của bà ở kiếp trước. Ông nói rằng đây “có lẽ đây là trường hợp luân hồi nổi tiếng nhất trong lịch sử từ trước tới nay”.

Ký ức tiền kiếp hiện ra

Shanti Devi trước lúc 4 tuổi không nói được nhiều, nhưng khi lên 4 tuổi, cô bé đã bắt đầu kể không ngớt về những điều kỳ quặc, khó mà tin nổi. Cô liên tục kể cho bố mẹ hiện tại nghe nhiều điều về “chồng” và “con trai cô”:

“Con là Chaubine (nghĩa là vợ của Chaube – người chồng kiếp trước), chồng con ở Mathura (Mathura, được gọi là ‘Thành phố thiêng liêng’, cách Delhi khoảng 145 km về phía đông nam), và chúng con có một cậu con trai. Chồng con có ngoại hình rất tuấn tú, ở má trái gần tai có một cục u lớn. Anh ấy thường đeo kính mỗi khi đọc sách. Ở Mathura anh ấy có một tiệm vải, nằm trước đền thờ Dwarkadhish (một ngôi đền nổi tiếng của Ấn Độ). Hồi con ở ngôi nhà tại Mathura con đã được ăn rất nhiều các loại kẹo khác nhau”.

Đôi khi mẹ cô mặc quần áo cho cô, cô bé sẽ nói rằng kiểu quần áo nào mà cô đã mặc trước đây. Lúc đầu, cha mẹ cô nghĩ rằng Devi đang tưởng tượng, nhưng khi cô bé lên 6 tuổi, cô vẫn tiếp tục kể những câu chuyện và tình tiết tương tự, thậm chí còn kể chi tiết về những lần sinh con và cái chết trước đây của mình. Thấy vậy, cha mẹ của Devi dần dần trở nên hoang mang và lo lắng, họ đã hỏi ý kiến của ​​bác sĩ gia đình. Sau khi nghe chuyện về Devi, bác sĩ rất ngạc nhiên khi một đứa trẻ con lại có thể kể chi tiết về nhiều ca giải phẫu phức tạp như vậy. Những bí ẩn mà Devi đem ra kể ngày một nhiều hơn, và cha mẹ cô bắt đầu cho rằng đó có thể là những ký ức về kiếp trước của cô.

Sau 6 tuổi, Devi yêu cầu bố mẹ đưa cô đến Mathura, tuy nhiên cô không bao giờ nói ra tên chồng mình. Thì ra ở Ấn Độ có một phong tục rằng, người vợ không được gọi tên chồng trước mặt người khác, nếu người khác nói ra, thì người vợ sẽ đỏ mặt.

Một người họ hàng xa nói với Devi rằng, chỉ cần con nói ra tên chồng cũ của mình, ông ấy (cha cô bé) sẽ thu xếp đưa con đến Mathura. Nghe vậy, Devi đã ghé vào tai người đó thì thầm: “Pandit Kedarnath Chaube” bằng phương ngữ Matura. Người họ hàng xa này sau đó đã viết thư cho Kedarnath Chaube ở Mathura và mời anh đến Delhi một thời gian, tại đây Chaube đã xác nhận rất nhiều điều liên quan đến vợ cũ của mình, đồng thời, sắp xếp cho một người họ hàng của anh ở Delhi là Pandit Kanjimal đến gặp Devi.

Khi họ gặp nhau, Devi lập tức nhận ra người họ hàng này chính là anh họ của chồng cũ. Trong cuộc gặp gỡ này, Devi đã kể một số chi tiết về ngôi nhà ở Mathura và còn nói ra vị trí mà cô đã cất giấu tiền. Kanjimal nghe xong liền cảm thấy vô cùng khó tin, trong đầu nghĩ rằng cô gái nhỏ này có thể là chuyển sinh của Lugdi – vợ Kedarnath Chaube, do đó anh đã đến Mathura để thuyết phục em họ đến Delhi để gặp cô bé.

Tiền kiếp của Devi (Lugdi)

Vào ngày 18/1/1902, gia đình Chaturbhuj ở Mathura sinh được một bé gái đặt tên là Lugdi Bai. Từ khi còn nhỏ, Lugdi đã rất sùng kính Phật, trước khi 10 tuổi cô thường đến một số miếu để hành hương. Một lần đi hành hương, cô đã bị thương ở chân và được điều trị ở Mathura, sau đó được chuyển đến thành phố Agra để điều trị, làn chấn thương này đã để lại một căn bệnh ngầm. Khi đó, ở Ấn Độ có một phong tục dân gian lâu đời là tảo hôn, do vậy Lugdi đã kết hôn với Chaube khi cô mới 10 tuổi. Vợ trước của Chaube đã chết, và Lugdi là vợ thứ hai của anh. Chaube sở hữu một cửa hàng vải ở Mathura và một chi nhánh ở Hardwar.

Sau khi kết hôn, Lugdi sinh con đầu lòng bằng phương pháp sinh mổ, nhưng đứa trẻ đã chết ngay sau đó. Vào năm 13 tuổi, cô mang thai lần thứ hai và sinh hạ cậu con trai tên là Navneet tại Bệnh viện Công của thành phố Agra vào ngày 25/9/1925. Tuy nhiên, vào ngày 4/10, tức 9 ngày sau đó, Lugdi đã qua đời do sức khỏe suy kiệt.

68 ngày sau khi Lugdi chết, vào ngày 11/12/1926, gia đình ông Babu Rang Bahadur Mathur tại Chirawala Mohulla – một địa phương nhỏ ở thành phố Delhi, đã sinh được một cô con gái, cô bé đó chính là Shanti Devi.

Đời trước, đời này gặp nhau

Vào ngày 12/11/1935, 10 năm sau cái chết của Lugdi, Chaube đưa theo con trai của Lugdi, người vợ hiện tại và cả anh họ đến Delhi để gặp cô bé devi, người tự xưng là Lugdi. Ngày hôm sau, họ đến được nhà của Devi. Để đánh lừa cô bé, người anh họ Kanjimal đã giới thiệu Chaube là anh cả của Chaube. Nghe vậy, cô bé 9 tuổi Devi bỗng dưng đỏ mặt, lặng lẽ đứng qua một bên. Có người hỏi tại sao cô lại thẹn thùng trước mặt anh trai của chồng? Devi nói với một giọng chắc chắn rằng: “Anh ấy không phải anh cả của chồng tôi, mà chính là chồng của tôi”. Sau đó cô bé nói với mẹ mình: “Chẳng phải con đã nói với mẹ rằng, anh ấy rất đẹp trai và có một cục u ở má trái bên cạnh tai sao?”

Sau đó, Devi nhờ mẹ chuẩn bị bữa ăn cho khách. Khi mẹ cô hỏi cô nên nấu những món gì, cô nói rằng, anh ấy (người chồng cũ) thích khoai tây nghiền và bí đỏ. Mà những món này chính là món ăn yêu thích của Kedarnath Chaube. Sau đó, Chaube hỏi cô liệu cô có thể nói một số điều đặc biệt để chứng minh không. Devi trả lời: “Được, trong sân nhà của chúng ta có một cái giếng, trước đây em đã từng tắm ở đó”.

Khi nhìn thấy Navneet (con trai Lugdi), Devi đã vô cùng kích động, cô bây giờ còn nhỏ hơn cậu bé một tuổi. Devi ôm chầm lấy Navneet nước mắt tuôn rơi. Chaube hỏi cô rằng, trước khi chết cô chỉ nhìn thấy đứa bé trong một hình hài nhỏ nhắn, vậy làm thế nào cô có thể nhận ra nó là con trai của cô? Devi nói rằng con trai là một phần linh hồn của cô, và linh hồn có thể dễ dàng nhận ra sự thật. Sau đó cô gói tất cả đồ chơi của mình và đưa nó cho cậu bé.

Sau bữa tối ngày hôm đó, Devi hỏi Chaube rằng: “Tại sao anh lại kết hôn với cô ấy (Lugdi)? Chẳng lẽ chúng ta (trước đây) không kịp để quyết định không kết hôn với nhau nữa sao?”

Chaube ở lại Delhi vài ngày và nhận thấy cử chỉ của Devi rất giống Lugdi về nhiều mặt. Anh lén hỏi riêng Devi: Khi đó cô bị viêm khớp và không thể đứng dậy được, vậy cô đã mang thai như thế nào? Devi đã tường thuật lại toàn bộ quá trình, khiến Chaube chắc chắn 100% rằng Devi chính là chuyển sinh của vợ cũ Lugdi. Vào ngày 15/11, gia đình của Chaube chuẩn bị quay trở lại Mathura, khiến Devi trở nên khó chịu, bực bội, cô đã yêu cầu được đi cùng, nhưng cha mẹ cô từ chối.

Lần đầu tiên đến Mathura

Vào thời điểm đó, câu chuyện của Devi đã gây chấn động khắp Ấn Độ, Mahatma Gandhi cũng biết sự việc này, ông đã đến gặp Devi, đồng thời chỉ định một ủy ban tiến hành nghiên cứu trường hợp của Devi (ủy ban do 15 nhân sĩ lỗi lạc thành lập, bao gồm các nghị sĩ, các nhân vật quan trọng nổi tiếng trong nước, thành viên của các phương tiện truyền thông). Ủy ban đã thuyết phục cha mẹ Devi cho cô bé đến Mathura. Họ lên đường vào ngày 24/11/1935. Báo cáo của nhóm nghiên cứu đã mô tả chi tiết việc tìm kiếm và so sánh bằng chứng:

Khi tàu sắp đến Mathura, Devi tỏ ra rất vui mừng, cô nói bằng phương ngữ Mathura rằng, cánh cửa của Đền thờ Dwarf sẽ đóng lại khi tàu đến. Nhóm người của họ xuống tàu và đi bộ đến sân ga đông đúc, có một người đàn ông mặc trang phục Mathura truyền thống tình cờ xuất hiện trước mặt họ và nhóm người hơi khựng lại. Các thành viên trong ủy ban nhân cơ hội này kiểm tra cô: “Cháu có nhận ra anh ta là ai không?”

Devi nói, “anh ấy là anh trai của chồng cháu!” qua kiểm chứng, người ta xác minh rằng người đàn ông này đúng là anh trai của Chaube.

Lần đầu tiên đến Mathura, Devi đã nhận ra được rất nhiều địa điểm. Khi đến gần nhà Chaube, Devi bước ra khỏi chiếc xe ngựa hai bánh, và nhìn chăm chú vào một ông lão trong đám đông rồi lập tức đi đến cúi chào ông, đồng thời nói với ủy ban rằng, người đàn ông này là bố chồng của cô. Sau khi kiểm chứng ủy ban đã chứng thực được người đàn ông đó chính là cha của Chaube.

Khi đến nhà Chaube, cô lập tức bước đến gian phòng của Lugdi và chỉ ra rất nhiều thứ mà Lugdi từng sử dụng. Sau đó ủy ban đã dùng tiếng địa phương để kiểm tra cô: “Jajroo (nhà vệ sinh) ở đâu?” Cô lập tức chỉ cho họ, họ hỏi tiếp: “Katora (một loại bánh rán) là gì?” Và cô đã trả lời đúng. Hai từ này chỉ phổ biến ở địa phương, người ngoài cơ bản đều không biết.

Lugdi và chồng còn có một ngôi nhà khác, họ đã sống ở đó trong vài năm. Devi yêu cầu đi đến đó xem, và cô đã hướng dẫn người lái xe đến đó một cách rành rọt. Một điều tra viên hỏi Devi rằng: Đâu là cái giếng mà cháu đã đề cập khi ở Delhi? Cô bé liền chạy tới một nơi, nhưng cô lại không tìm thấy cái giếng nào cả, mặc dù cô rất bối rối nhưng cô vẫn tin chắc rằng ở đó nên có một cái giếng. Sau khi Chaube dời một tảng đá ra khỏi nơi đó, quả nhiên một cái giếng đã xuất hiện trước mặt mọi người. Còn khi được hỏi cô đã cất giấu tiền ở đâu, Devi đưa mọi người lên tầng 2 và tìm một lọ hoa đưa cho họ xem, tuy nhiên không có tiền trong đó. Chaube sau đó thừa nhận rằng, anh đã lấy tiền trong lọ hoa ra sau khi Lugdi qua đời.

Ủy ban tiếp tục đưa Devi đến nhà của cha mẹ Lugdi, và cô đã nhận ra cha mình ở kiếp trước. Lúc đầu, cô nhầm dì với mẹ của mình ở kiếp trước, nhưng đã nhanh chóng đính chính lại. Khi gặp nhau, họ không kìm được nước mắt, và những biểu hiện trìu mến của họ khiến những người có mặt cảm động không thôi.

Sau đó, Devi được đưa đến Đền thờ Dwarf và một số nơi mà cô đã đề cập trước đó, và tất cả những ký ức tiền kiếp của cô đã được xác nhận từng chuyện một. Cuối cùng, trước khi rời khỏi Mathura, mọi người đã bất đắc dĩ phải tách Devi ra khỏi cha mẹ trước của cô. Ủy ban đã đề cập trong báo cáo rằng “ký ức kiếp trước bị quên hết là một điều may mắn”.

Cuối cuộc đời dư âm còn văng vẳng bên tai 

Tiến sĩ Ian Stevenson – người đứng đầu Viện Nghiên cứu Luân hồi cho biết: “Tôi đã phỏng vấn Devi, cha của cô và các nhân chứng liên quan khác, bao gồm Chaube, người chồng trong kiếp trước của Devi. Nghiên cứu của tôi cho thấy, cô bé nhớ lại đúng ít nhất 24 sự việc mà tương hợp với sự thật đã được xác minh”.

Tiến sĩ K.S. Rawat vào tháng 2/1986 cũng đã phỏng vấn Devi, khi ấy bà đã 60 tuổi, đồng thời đi sâu vào ký ức kiếp trước của bà cũng như hồi ức của bà ở Mathura trong kiếp này. Vào tháng 12/1987, ông lại phỏng vấn bà một lần nữa, sau đó 4 ngày thì bà qua đời. Tiến sĩ Rawat  cũng đến Mathura để phỏng vấn anh trai của Lugdi cũng những người thân khác của bà. Thông tin thu được từ họ và những lời kể của Devi đều được chứng minh là đúng sự thật.

Tiến sĩ Chu Tường Quang (1919-1963, sinh tại Hoàng Nham, Chiết Giang), từng học ở Trung Quốc và giảng dạy ở Ấn Độ đã gặp Devi vào năm 1960. Khi đó bà 35 tuổi, là một phụ nữ đứng đắn. Lúc đó, tiến sĩ Chu hỏi bà có còn nhớ tình huống kiếp trước của mình không và bà nói rằng mình vẫn còn nhớ được, nhưng không còn rõ ràng như khi còn nhỏ, khi bà hồi tưởng lại tình cảnh trong kiếp trước của mình, nó giống như một cuốn phim trên màn ảnh, hiện lên rồi biến mất trong nháy mắt. Bà còn nói, nếu không phải như vậy, thì trong một thời gian dài chống chọi với kiếp này, bà đã không sống nổi rồi.

Ủy viên điều tra Devi lại cảm khái rằng “ký ức kiếp trước bị quên hết là một điều may mắn”. Kiếp này nhìn lại kiếp trước, cuộc đời vô thường như mộng ảo, bong bóng, cõng chấp trước vào tình trên lưng, nguyên thần trong luân hồi chuyển sinh từ đời này sang đời khác bị ràng buộc bởi tình, rốt cuộc đâu mới là bến bờ?


Nguồn tài liệu:

  1. Tiến sĩ K.S. Rawat: “The Case of Shanti Devi ” from reincarnation-research” (Trường hợp của Shanti Devi” từ nghiên cứu luân hồi) https://www.reincarnation-research.com/shanti-devi/
  2. Stevenson, Ian. Evidence of Survival from Claimed Memories of Past Lives. Journal of the American Society for Psychical Research, 54, 51-71 (Stevenson, Ian. Bằng chứng còn sót lại từ những ký ức về tiền kiếp. Tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Tâm lý Hoa Kỳ, 54, 51-71)
  3. (Chu tường Quang: Tôi đã thấy tận mắt ba sự thật về luân hồi (Ấn Độ) http://big5.xuefo.net/nr/article12/116673.html

Nguồn Internet

✍️ Mục lục: Luân Hồi – Chuyển Kiếp👉  Xem tiếp

Để biết thêm chi tiết, xin vui lòng liên hệ với KênhNhóm trên Telegram

      

   

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *