Quyển 04: Những câu hỏi Thiền Tông – Tập 2
✍️ Mục lục: Quyển 04: Những câu hỏi Thiền Tông – Tập 2
VỊ THỨ 12
Cụ Thạc sỹ Vật lý Cao Đạt Thái, sanh năm 1922 (88 tuổi), tại quận Một, TP. Hồ Chí Minh. Cư ngụ tại thành phố Melbourne, nước Australia, hỏi 7 câu rất gay gắt:
– Suốt 40 năm, tôi nghiên cứu rất nhiều về các Pháp môn tu của đạo Phật. Tôi tin rằng, kiến thức của tôi học hỏi với những vị đạo cao đức trọng, không thể nào ai phá vỡ được. Cách nay 3 tháng, tôi có xem trên Website của báo Tuổi Trẻ nơi mục văn hóa giải trí. Tôi thấy tác giả Nguyễn Nhân giới thiệu bán các sách do Thầy giảng giải. Lời giải của Thầy làm sự hiểu biết của tôi từ trước đến nay bị đảo lộn tất cả. Vì sự đảo lộn ấy, nên hôm nay tôi tìm đến Thầy xin hỏi 7 câu, có thể nói là rất cao của Phật giáo, xin Thầy đừng từ chối, cám ơn: (Giọng nói của cụ Cao Đạt Thái rất kiêu ngạo).
Câu 1– Tại sao, thời Đức Phật còn tại thế, nhiều người tu dễ ngộ đạo, còn thời chúng ta tu tại sao ít người ngộ đạo.
Câu 2– Nhiều vị tự xưng mình là Thiền Sư, làm thế nào để biết vị ấy là Thiền Sư thật?
Câu 3– Các Giảng sư dạy về Tứ ân trong đạo Phật, đầu tiên là ân Phật, còn Thầy giải trong các sách do Tác giả Nguyễn Nhân viết, ân quốc gia là đầu, sao có sự sai biệt này?
Câu 4– Người tu đạt được Thanh Tịnh Thiền, phải dẫn giải như thế nào cho nhiều người cùng hiểu?
Câu 5– Tu theo Thiền Tông có dụng công để vào Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh, Thầy căn cứ vào đâu mà có Công thức này?
Câu 6– Tại sao người tu được “Rơi vào Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh”, họ biết tất cả những ngôn ngữ của Thế Giới này?
Câu 7– Khoa học hiện nay, họ đã chế ra những máy dò tìm ý thức con người có thể nói là đã thành công 80%, họ có thể tìm ra Tánh Phật được không?
Chúng tôi đi trong đoàn nghe 7 câu hỏi của cụ Cao Đạt Thái, chờ xem Trưởng Ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu trả lời như thế nào, riêng phần chúng tôi nghe muốn điên đầu.
Trưởng Ban Quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu trả lời 7 câu hóc búa của cụ Cao Đạt Thái:
– Kính thưa cụ Cao Đạt Thái, đây quả đúng là 7 câu hỏi gai góc của cụ, thật tình quá cao mà cũng quá tuyệt. Vì lòng quyết tìm hiểu của cụ, chứng tôi xin trả lời cho cụ 7 câu hỏi nêu trên như sau:
Câu 1: Sở dĩ thời Đức Phật còn tại thế, nhiều người tu dễ Giác Ngộ là vì có 3 lý do:
– Đức Phật khi thành đạo, Ngài luôn sống trong Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh. Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh là cái Tự nhiên trùm khắp trong Càn khôn Vũ Trụ này, trong Thiền Tông gọi là “Cố hương”, còn danh từ trong các kinh gọi là “Mười Phương”. Đức Phật đã sống trong Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh rồi, nên Đức Phật có “Siêu đại thần lực Thanh Tịnh Thiền” Ngài bủa khắp, ai có lòng cương quyết cao, muốn tu Giải Thoát, Đức Phật chỉ cần dạy vài câu là người hỏi nhận ra chỗ chí đạo liền! (Tức chỗ tột cùng lẽ thật của đạo).
– Những người thời đó, họ tìm học đạo cực nhọc lắm cực hơn chúng ta hiện giờ gấp mấy ngàn lần!
Vì sao vậy?
Vì ngày xưa đi tìm học đạo, họ phải băng rừng lội suối bằng đôi chân, hàng mấy chục cây số, có khi hàng trăm cây số, cũng có khi nhiều hơn thế nữa, chứ không phải đi xe như chúng ta ngày nay, nên họ có ý chí quyết tâm rất lớn.
– Lối học đạo và tu hành thời Đức Phật không giống như lối tu hành và học tập như chúng ta ngày nay.
Ngày xưa, học đạo không có sách vở. Đức Phật dạy câu nào, các người học phải học cho thuộc lòng, phải đạt ý sâu mầu của Đức Phật dạy, tức phải hiểu tận cùng những gì mà Đức Phật nói ra. Sau cùng, Đức Phật kiểm chứng, hoặc những vị là đệ tử lớn của Đức Phật kiểm chứng. Do đó, họ học câu nào nhận rõ ràng câu nấy.
– Còn thời chúng ta hiện nay, tu mà không ngộ đạo, có 4 lý do chánh như sau:
– Người đi tìm học đạo ngày nay không phải muốn tìm đạo lý, mà đi tìm cái danh.
– Một số đứng ra giảng, không vị nào biết Pháp môn Giải Thoát là sao, thì làm sao giúp người khác Giải Thoát được.
– Tiêu chuẩn của người đứng ra giảng đạo Phật là phải hiểu cái gì là Phật Tánh; cái gì là Tánh Người, muốn Giải Thoát phải làm sao. Hiểu được căn bản này thì mới giúp cho người đến nghe Giác Ngộ và Giải Thoát được.
Căn bản của Đức Phật dạy đạo của Ngài là Giác Ngộ và Giải Thoát, người đứng ra dạy Giải Thoát này phải có 3 tiêu chuẩn:
Một: Vị thầy đứng nơi bục đạo tràng dạy đạo, thấp nhất là đạt được “Yếu chỉ Thiền Tông”.
Hai: Vị thầy đứng nơi đạo tràng giảng đạo, trung bình là đạt được “Bí mật Thiền Tông”.
Ba: Vị thầy tuyệt vời nhất đứng nơi đạo tràng giảng, vị đó phải được “Rơi vào Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh”.
Ba quy định nêu trên, hiện nay chúng tôi không thấy nơi nào áp dụng, mà thấy người nào lanh lợi, ăn nói lưu loát, là được phép đứng trên bục giảng.
Vì chỗ không thực hiện đúng quy định nói trên, nên người đi học đạo ngày nay, học một thời gian rất dài mà không thấy ai Giác Ngộ cả, thì làm sao biết đường Giải Thoát?
Các vị đi học đạo ngày nay có 5 hạng người:
– Thích những vị thầy nói vui cười!
– Thích những vị thầy nói lưu loát!
– Thích những vị thầy có học cao, chức vụ hơn người.
– Thích những vị thầy có Thần thông!
– Thích những vị thầy biết quá khứ vị lai!
– V.v…
Trên đây chỉ là con đường dẫn người nghe vào Luân hồi, chớ không phải Giải Thoát được.
Câu 2: Nói đến Thiền Sư đúng nghĩa, vị thầy ấy ít nhất phải Giác Ngộ “Yếu chỉ Thiền Tông”, cao hơn là đạt được “Bí mật Thiền Tông”. Muốn biết vị ấy có đúng là Thiền Sư hay không, xin cụ kiểm như dưới đây sẽ biết:
1- Không làm những việc tầm thường ở Thế gian này, như: Cầu siêu, cầu an hay cầu bất cứ thứ gì cho ai. Không chiều bất cứ ai, người nào muốn nghe đạo Giác Ngộ và Giải Thoát thì cứ đến nghe, còn ham vui hay tìm những thứ trong Vật lý trần gian, họ đến nghe thì nghe họ chán bỏ đi, không mời ở lại. Nói tóm lại, Thiền Sư giảng đạo không mong nhiều người đến nghe, mà chỉ mong những người thật sự muốn Giác Ngộ và Giải Thoát đến nghe thôi. Còn khi tiếp xúc riêng từng người một, vị ấy rất dè dặt, khi nói với người đối diện nói năm ba câu là đã biết người đối diện ở trình độ nào rồi và biết họ muốn gì. Các vị Thiền Sư thứ thiệt, đối với người ham tu để chứng được cái này đắc được cái kia, vị Thiền Sư này một lời không nói, một chữ không hé môi. Còn vị nào ham tiếp xúc nhiều người, nhất là người giàu có và sang trọng, vị này không phải là Thiền Sư, mà họ lạm dụng danh từ Thiền Sư mà thôi.
Câu 3: Về Tứ ân trong đạo Phật, gốc tích này là do Đức Phật dạy Ngài Phú Lâu Na; Ngài Phú Lâu Na có trình thưa hỏi Đức Phật như sau:
– Kính bạch Đức Thế Tôn, cha mẹ và cả gia đình chúng con đều theo đạo Bà La Môn; Đạo Bà La Môn dạy, người tu hành đầu tiên phải cám ơn “Chủ Thể Đại Thần Ngã tối cao”, tức người tự xưng là Đấng sáng lập ra Thế Giới và loài Người. Kế tiếp mới cám ơn quốc gia đùm bọc mình…
Đức Phật nghe Ngài Phú Lâu Na trình và hỏi vậy, nên mới dạy Ngài Phú Lâu Na và phân tích các ân như sau:
– Này ông Phú Lâu Na, như Ta dạy các ông căn bản chánh sanh ra sơn, hà, đại địa và muôn vật trên Trái Đất này là nói hẹp, còn nói rộng là khắp trong Càn khôn Vũ Trụ này là do Âm Dương vận hành và cuốn hút, tạo ra nhân duyên kết dính nên mới có kết quả, gọi chung là Nhân Quả. Việc tạo tác của mỗi cá nhân, từ hữu hình đến vô hình, Ta đã từng theo học với các vị giáo sĩ Bà La Môn dạy. Những việc các vị ấy dạy cho Ta chỉ là những thứ tưởng tượng của các Ngài, không thực tế và cũng không thuận lý.
Vì vậy, Ta mới tìm các cách tu khác, duy nhất chỉ có “Thiền Thanh Tịnh” mới làm cho Ta “mở mắt” thấy và biết được thật rõ ràng tất cả những sự thật về nhân sinh và Vũ Trụ. Nhờ vậy, Ta mới dạy các ông nguyên lý nói trên, còn việc con người sống trên đời này phải biết chịu ơn đúng như sau thì cá nhân không lầm lỗi, tập thể không tranh giành, quốc gia không bị hỗn loạn, v.v…
Thứ nhất: Trước nhất phải biết ơn quốc gia.
Vì sao vậy?
Vì quốc gia bảo bọc cho toàn dân được yên ổn làm ăn, mưu cầu hạnh phúc, tu tập, để được Giác Ngộ, sau đó mới Giải Thoát..v.v…
Thứ hai: Kế tiếp, mới biết ơn đức Phật vì Đức Phật là người Thầy chỉ lối, dẫn đường, cho các ông vượt ra ngoài Tam Giới, không bị Luân hồi, để trở về nguồn cội của chính các ông.
Còn nói cám ơn vị Chú Thể Đại Thần Ngã, vị này là vị vua cõi trời Dục giới ở cấp thấp. Còn Thượng đế là vị Chúa ở cõi trời Dục giới ở cấp cao hơn. Nếu đem 2 vị này ra so sánh với Tam thiên Đại thiên Thế Giới trong Càn khôn Vũ Trụ này. Hai vị này nhỏ như là con kiến, thì 2 vị này làm sao làm ra Tam thiên Đại thiên Thế Giới và muôn vật hay các loài Người được?
Vì chỗ sai lầm này, mà các tôn giáo tranh giành quyền lợi với nhau, rồi đánh nhau, có khi còn chém giết với nhau nữa! Cũng vì cái biết ơn sai lầm này vậy!
Thứ ba: Phải biết ơn Thầy, Tổ, vì những vị này, thay Phật dạy cho các ông những lời chân thật, đúng trong Tam Giới này.
Thứ tư: Biết ơn những người cho thức ăn và vật dụng để nuôi thân các ông khoẻ mạnh, tu tập để trở về nguồn cội của chính các ông.
Đức Phật lưu ý Ngài Phú Lâu Na, việc biết ơn như trên thì thuận với Tự nhiên, nếu đặt sai chỗ biết ơn thì: Một cá nhân đặt sai, chỉ một cá nhân chịu, còn tập thể đặt sai chỗ biết ơn thì nhiều người cùng chịu, còn một số đông người đặt sai, thì bị phản ứng Tự nhiên của Nhân Quả không thể nào lường hết được!
Vì sao có việc như vậy?
Đức Phật dạy rõ:
– Vì ở Thế Giới Dục giới này là do Âm Dương cuốn hút, nên có nhân duyên kết dính, Nhân Quả mới hình thành. Nếu bết cứ ai đặt sai chỗ nguyên lý của Dục giới, sẽ bị Dục giới quật ngã ngay. Vì nhiều nơi làm sai việc này, nên các bộ tộc tranh giành, các quốc gia đánh nhau, các giáo phái hơn thua, v.v… cũng vì họ đặt sai chỗ biết ơn này vậy!
Câu 5: Phần tu theo Thiền Tông có dụng công, Đức Phật có dạy chứ chẳng phải không, nhưng vì dạy trong ẩn ý, nên khó có ai hiểu, cũng có thể nói là Bí mật của lộ trình hành Thiền đến Phật Tánh. Chúng tôi xin dẫn chứng và phân tích 4 chữ thôi, nhưng đây lại là một Công thức hành Thiền rất cao:
1- Thọ. 2-Tưởng. 3- Hành. 4- Thức!
– Thọ: Nhận lấy, nếu chúng ta không nhận lấy, tức không Thọ, thì Tánh Thấy hay Tánh Nghe không lưu vào tàng thức của chúng ta được. Chuyên môn trong nhà Thiền gọi là tâm và cảnh không dính nhau là Giải Thoát! Nhưng mới Giải Thoát ngoài cùng của Tánh Thấy và Tánh Nghe. Có nghĩa là, chúng ta phá được “Làn sóng keo” giữa căn và trần, tạo thành một khoảng trống. Làn sóng này nếu chúng ta phá được thì hiểu được lời dạy của Sơ Tổ Trúc Lâm Yên Tử: “Đối cảnh vô tâm” là chỗ này. Còn theo lộ trình hành Thiền đến Phật Tánh, đây mới là cửa thứ nhất thôi.
– Tưởng: Suy tư, nghĩ tưởng!
Nó từ đâu ra?
Nó từ Hành ấm trong Tàng thức tuôn ra, mà chúng ta đã đem vào từ vô lượng kiếp đến nay! Nếu chúng ta biết sử dụng Tánh ‘Thanh Tịnh, rỗng lặng, hằng tri”. Vọng tưởng tuôn ra bao nhiêu kệ nó, để Tự nhiên cho nó tuôn đổ ra đi, đừng sử dụng bất cứ hành động gì khống chế nó, hay dẹp nó. Khi Vọng tưởng tuôn ra hết, là qua đượcc cửa thứ hai là độ vô số chúng sanh mà không thấy có chúng sanh nào được diệt độ”
Đây là cửa thứ 2 mà trong kinh Kim Cang Đức Phật đã dạy.
– Hành: Hành ở đây là Vọng tưởng từ trong Hành ấm trong Tàng thức tuôn đổ ra, những thứ Vọng tưởng chúng ta đã huân vào từ vô lượng kiếp đến nay, nên tạo thành thứ âm vang như là tiếng thác đổ, hay tiếng vang mạnh của những lượn sóng của biển cả.Trong nhà Thiền gọi là “Hải Triều Âm”.
Người tu Thiền Tông có dụng công đến được cửa thứ 3 này, Thấy, Nghe và Biết như sau:
– Trong Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh:
– Thấy Hằng Hà sa số những vị Phật.
– Nghe được tiếng Pháp của các Ngài giao tiếp với nhau.
– v.v…
– Còn nơi Tam Giới:
– Dao động mãnh liệt của điện từ Âm Dương luân chuyển đa chiều để cuốn hút vạn vật và đi theo dòng Luân hồi.
– Vị nào dụng công tu đến cửa thứ 3 này không biết, chỉ cần một mái động thật nhỏ, tức khắc làn sóng nghiệp Âm Dương đang vận hành nơi Thế Giới Vật lý này, cuốn hút vào lục đạo Luân hồi ngay!
– Còn khi Vọng tưởng từ trong Hành ấm tuôn đổ ra hết. Trong Tàng thức chỉ còn là một cái kho trống rỗng, Thanh Tịnh, trong sáng, hằng tri, tức khắc biến thành là kho Như Lai, trong Thiền môn gọi đảo ngữ là Như Lai tàng.
Trong kho Như Lai này phải có 4 phần căn bản như sau:
Vô lượng Thọ, tức thọ hoài Tự nhiên như vậy.
Vô lượng Quang, là cái sáng trùm khắp của Điện Từ Quang.
Vô lượng Công đức, vô số Công đức này, chỉ ở loài Người mới tạo được, còn ở các cõi hay loài khác không tạo ra được.
Phật Tánh, đầu tiên ở trong Bể Tánh Thanh Tịnh, vì tò mò nên vào Thế Giới loài Người xem thử, bị vỏ bọc của Tánh Người bao cứng lại và luân chuyển trong Tam Giới!
Có được bốn thứ nói trên, mới hình thành ra một vị Phật được. Còn vị Phật lớn, Phật nhỏ hay Phật trung, là do Công đức của mỗi vị tạo ra nơi loài Người.
Cũng xin nói rõ, cái kho Như Lai này, khi vào trong Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh, được ánh sáng Điện Từ Quang chiếu vào, số Công đức liền trở thành là Pháp Thân Thanh Tịnh. Cái Pháp thân Thanh Tịnh vừa hình thành, cũng là lúc Phật Tánh hoạt động trong cái vỏ bọc Pháp thân Thanh Tịnh này, một vị Phật liền ra đời và sống với Chư Phật đã thành Phật trước.
Trên đây là 4 cửa của “Lộ trình hành Thiền đến Phật Tánh” có căn cứ đàng hoàng chứ không phải chúng tôi tự đặt ra.
Câu 6: Người tu vào được Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh rồi, họ nhận biết thật rõ ràng trong Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh không có lực hút Âm Dương, mà chỉ có Điện Từ Quang trong suốt rung động thôi, nhờ Điện Từ Quang này mà sự sống của Chư Phật mới hoạt động được.
Trong một Tam Giới: Có điện từ Âm Dương kết dính muôn vật và hành tinh theo chiều: Thành – Trụ – Hoại – Diệt!
Trong một chúng sanh: Loài nào cũng có Tánh của loài đó cả, như:
– Loài Người thì có Tánh Người, ở bên trong Tánh Người có Phật Tánh ở trong đó, trong vỏ bọc Phật Tánh có cái Ý, Ý này luôn lúc nào cũng hằng Thấy, hằng Nghe, hằng Pháp và hằng Biết.
Cái Ý ở trong Phật Tánh, Duy Thức Học gọi là “Hành Ấm”. Phật Tánh bị nghiệp ở loài nào, thì Hành Âm của loài đó phải phát tiếng và hành động của loài đó.
Ví dụ như loài Người: Mà người Việt Nam thấy cái nhà gọi là cái nhà, người ở nước nào thì gọi tên của nước đó.
Xin đưa ra thực tế:
Chúng ta là người Việt Nam đang thấy màu đỏ, phát âm ra tiếng Việt Nam là “đỏ”. Người Trung Quốc họ phát âm ra là “hồng”. Người Mỹ, hay người Anh họ phát âm ra là “red”; còn người Pháp họ Pháp âm là “rouge”. Người ở bộ tộc hay ở nước nào đó trên Thế Giới, họ phải phát âm ra tiếng của họ.
Người đạt được “Bí mật Thiền Tông” họ giải thích cái Thấy của Tánh Người như sau:
– Cái Tánh hay Thấy là của Ý trong Phật Tánh Thấy, khi vào trong Tánh Người nó phải Thấy qua mấy lớp như sau:
– Khởi đầu là Ý thấy.
– Vì Ý này vào trong Tàng thức, tức vỏ bọc của Tánh Người, nên khi Thấy phải tuân theo qui luật của Tánh Người:
A- Hành ấm đưa ra.
B- Tưởng ấm phân biệt.
C- Nghiệp mỗi con người phát ra.
D- Nên có sai biệt.
Còn các vị sống trong Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh, họ chỉ sử dụng cái Biết tại đầu xuất phát của Hành ấm thôi, nên họ biết được cái gốc là vậy.
Câu thứ 7: Các nhà khoa học hiện nay họ biết Công thức làm ra máy vi tính, nhờ máy vi tính truy tìm ra những âm thanh hay hình ảnh mà mắt thường không thể thấy được.
Các loại máy vi tính, họ căn cứ vào hình ảnh, âm thanh hay vọng thức luân chuyển của Vật lý nơi địa cầu này. Các máy này bắt được các tần số nói trên, nên họ biết được.
Còn Tánh Phật của mỗi con người không phải nằm trong Vật lý, nên những máy vi tính của Vật lý không thể nào bắt được.
Do đó, Đức Phật có dạy:
– Tâm Vọng tưởng của các ông Quỷ, Thần thấy được.
Vì sao Quỷ, Thần thấy được?
– Vì tâm Vọng tưởng của các ông nó lưu hành trong vòng luân chuyển của Vật lý Âm Dương, nên khi con người phát ra Vọng tưởng, nó liền có làn sóng Thức phát ra, nên máy vi tính bắt được làn sóng Thức này.
Còn những ngôn ngữ của Ý trong Phật Tánh, là Tự nhiên Thanh Tịnh, vì là Thanh Tịnh nên sóng điện từ Vật lý không bắt được, nên Thần, Thánh hay Ma, Quỉ cũng không biết được.
Trên đây là nguyên lý đặc biệt trong Thiền Tông học mà Đức Phật đã dạy:
Đức Phật có dạy rõ như sau:
– Khi Tâm Vật lý các ông Thanh Tịnh, đồng nghĩa không nhô ra những chông gai suy nghĩ, nên điện từ Âm Dương khi “quét qua” không dính Tâm Vật lý Thanh Tịnh của các ông được, nhờ vậy mà các thứ trong Ý nơi Phật Tánh được phát huy Tự nhiên của nó.
Điện Từ Quang là loại điện từ Tự nhiên không có sức hút của vậy lý Âm Dương; Điện Từ Quang này chỉ có ánh sáng và rung, chuyên chở Thấy, Nghe, Nói và Biết trong Phật Tánh đi trùm khắp thôi. Đức Phật gọi những thứ trên là
Chân Như, tức cái Như Như Tự nhiên chân thật như vậy.
Đức Phật dạy rất rõ về các Điện Từ như sau:
– Điện Từ Quang: Tự nhiên trong Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh nó là Tự nhiên và trùm khắp. Nhờ nó mà khi Ý phát ra thứ gì nhờ điện từ này chở đi trùm khắp.
– Điện từ Âm Dương: Điện từ Tự nhiên trong Tam Giới có nhiệm vụ duy trì các hành tinh và những vật thể hữu hình hoặc vô hình. Điện từ Âm Dương nó có 2 cực rõ ràng:
A- Chiều Âm: Hút cứng với nhau để duy trì hình thể của Tứ Đại và Nghiệp Thức của mỗi người dù là thiện hay ác.
B- Chiều Dương: Tạo khoảng cách an toàn cho từng hình thể của một khối Tứ Đại, cũng như Nghiệp Thức của mỗi cá nhân.
Ở đoạn văn này, vị nào may mắn đọc được lời Huyền ký của Đức Phật dạy mới hiểu những gì trong Phật Tánh, còn không có duyên đọc được, ngồi đó tưởng tượng ra để nói cho người khác biết, vô tình mình dẫn người tu theo mình vĩnh viễn đi trong lục đạo Luân hồi!
Vị nào không biết dụng công tu Thiền, khi thấy được hình bóng ông Thần bà Thánh, họ tưởng là thật.
Chúng tôi đến những đạo tràng có tiếng, nghe những vị thầy nói: “Tôi dụng công tu 5 phút sẽ thấy được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni”!
Những người đến nghe giảng, họ rất cung kính, lạy vị ấy và thông báo cho nhiều người biết là vị ấy đã “thành Phật” rồi!
Còn vị ấy, rất hãnh diện là mình đã được nhiều người kính lạy và cúng dường cho mình được nhiều tiền!
– Điện từ Vật lý: Đức Phật có dạy, vào đời “Mạt Pháp”, loài Người sẽ chế ra được loại điện từ này để thay thế cho đèn dầu, cũng như sử dụng cho nhiều thứ khác.
Chúng tôi xin kể một câu chuyện người tu Thiền dụng công thành tựu trong Vật lý như sau:
– Ngày xưa, ở bên nước Trung Quốc có cốt truyện như sau: Thiền Sư Huệ Trung là một vị Quốc sư ỏ thành Trường An, có một vị thầy tu Thiền Tiểu thừa từ nước Ấn Độ sang, khoe mình tu chứng được “Tha tâm thông”, tức thấy và hiểu biết được tất cả những khởi niệm của những người chung quanh.
Quốc sư Huệ Trung mới mời ông thầy xưng mình đã chứng được Tha tâm thông đến để hỏi sự tu chứng của vị ấy, với sự chứng kiến của nhà vua và các vị quan trong triều.
Lần thứ nhất: Quốc sư cho Tâm Vật lý của Ngài nghĩ và đến cầu Thiên Tân. Ngài hỏi ông thầy chứng Tha tâm thông: “Hiện giờ ông thấy tâm ta ở đâu?”
Thầy chứng Tha tâm thông đáp:
– Ngài là một vị Quốc sư, sao lại đến cầu Thiên Tân để xem dân chúng đua thuyền?
Lần thứ hai: Quốc sư cho Tâm Vật lý của Ngài nghĩ và đến vườn bách thú. Ngài hỏi ông thầy chứng Tha tâm thông: Hiện giờ ông thấy tâm ta ở đâu?
Thầy chứng Tha tâm thông đáp:
– Ngài là một Quốc sư, sao lại đến vườn bách thú để xem khỉ giỡn?
Lần thứ ba: Quốc sư yên lặng, không cho Tâm Vật lý của Ngài khởi nghĩ, tức ở trong Thanh Tịnh Tự nhiên. Ngài liền hỏi ông thầy chứng Tha tâm thông như hai lần trước.
Ông thầy chứng Tha tâm thông không nhìn thấy tâm Quốc sư ở đâu cả, nên không trả lời được.
Quốc sư liền nói với ông thầy chứng Tha tâm thông:
– Ông sử dụng Tánh Thấy của Ma, Quỷ, chứ Tha tâm thông cái gì?
Vừa nghe Quốc sư quở mình, ông thầy chứng Tha tâm thông ông hết sức run sợ không dám nhìn Quốc sư Huệ Trung.
Trưởng Ban nói tiếp:
– Vì những thứ trong Phật Tánh nó là Tự nhiên như vậy, không có làn sóng của Vật lý, nên máy vi tính dù có tối tân đến đâu cũng không thể nào dò tìm được.
Nghe 7 câu đáp, cụ Thạc sỹ Cao Đạt Thái nói với Trưởng Ban:
– Hôm nay, tôi trực tiếp gặp được Thầy, Thầy trả lời quá hay, quá tuyệt. Một lần nữa, tôi xin hối lỗi với Trưởng Ban, xin Trưởng Ban bỏ qua những lời nói ban đầu cùa tôi.
Thú thật, ban đâu tôi không tôn trọng Thầy, nên có những lời nói không phải, xin Thầy bỏ qua cho, xin thành thật cám ơn.
Video (Trích đoạn)
✍️ Mục lục: Quyển 04: Những câu hỏi Thiền Tông – Tập 2 👉 Xem tiếp