Kinh - Kệ

Kinh Đại Bát Niết Bàn

✍️ Mục lục: Kinh Đại Bát Niết Bàn

Tụng phẩm IV

1. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, đem theo y bát, vào Vesàli để khất thực. Sau khi khất thực ở Vesàli, ăn xong và trên đường khất thực trở về, Thế Tôn nhìn Vesàli với cái nhìn của con voi chúa rồi nói với tôn giả Ananda:

– Này Ananda, lần này là lần cuối cùng, Như Lai nhìn Vesàli. Này Ananda, chúng ta hãy đi đến làng Bhandagàma.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến Bhandagàma. Tại đây, Thế Tôn ở tại Bhandagàma.

2. Rồi Thế Tôn nói với Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt bốn Pháp mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Thế nào là bốn? Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ không chứng đạt Thánh Giới mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh Định mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh Tuệ mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh giải thoát mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Này các Tỷ-kheo, khi Thánh Giới được giác ngộ, được chứng đạt; khi Thánh Định được giác ngộ, được chứng đạt; khi Thánh Tuệ được giác ngộ, được chứng đạt; khi Thánh Giải thoát được giác ngộ, được chứng đạt, thời tham ái một đời sống tương lai được trừ diệt, những gì đưa đến một đời sống mới được dứt sạch, nay không còn một đời sống nào nữa.

3. Đó là lời Thế Tôn dạy. Sau khi nói vậy, Thiện Thệ lại nói thêm:

Giới, Định, Tuệ và Giải thoát vô thượng
Gotama danh xưng đã chứng ngộ.
Đấng Giác Ngộ giảng pháp chúng Tỷ-kheo.
Đạo Sư diệt khổ, pháp nhãn, tịnh lạc.

4. Trong thời gian Thế Tôn ở tại Bhandagàma, pháp thoại này được giảng cho chúng Tỷ-kheo:

– Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ, Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu.

5. Rồi Thế Tôn, sau khi ở Bhandagàma cho đến khi Ngài xem là vừa đủ, liền nói với tôn giả Ananda:

– Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Hatthigam… Ambagama… Jambugama…, hãy đi đến Bhoganagara.

6. – Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến Bhoganagara.

7. Tại đây, Thế Tôn ở Bhoganagara tại đền Ananda, Ngài nói với các Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng bốn Đại giáo pháp, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Các Tỷ-kheo ấy vâng lời Thế Tôn, Thế Tôn giảng như sau:

8. – Này các Tỷ-kheo, có thể có Tỷ-kheo nói: “Này Hiển giả, tôi tự thân nghe từ miệng Thế Tôn, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Đạo Sư”. Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật. Khi đem so sanh với Kinh, đối chiếu với Luật, nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm. Và này các Tỷ kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật và nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Đại giáo pháp thứ nhất, các Ngươi hãy thọ trì.

9. Này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nói: “Tại trú xứ kia, có Tăng chúng ở với các vị Thượng tọa, với các Thủ chúng. Tôi tự thân nghe từ miệng Tăng chúng, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Đạo Sư”. Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Và này các Tỷ-kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật và nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này phải là lời dạy của Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Đại giáo pháp thứ hai, các Ngươi hãy thọ trì.

10. Này các Tỷ-kheo, có thể có vị Tỷ-kheo nói: “Tại trú xứ kia có nhiều Tỷ-kheo Thượng tọa ở, những vị này là bậc đa văn, gìn giữ truyền thống, trì pháp, trì luật, trì pháp yếu. Tôi tự thân nghe từ miệng những vị Thượng tọa ấy, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Đạo Sư”. Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, và nếu không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, và nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Và, này các Tỷ-kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời ấy phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Đại giáo pháp thứ ba, các Ngươi hãy thọ trì.

11. Này các Tỷ-kheo, có thể có Tỷ-kheo nói: “Tại trú xứ kia, có một vị Thượng tọa, vị này là bậc đa văn, gìn giữ truyền thống, trì pháp, trì luật, trì pháp yếu. Tôi tự thân nghe từ Thượng tọa, tự thân lãnh thọ; như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Đạo Sư”. Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, và nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời của Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Và này các Tỷ-kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, và nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời ấy phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Đại giáo pháp thứ tư, các Ngươi hãy thọ trì.

Này các Tỷ-kheo, bốn Đại giáo pháp này, các Ngươi hãy thọ trì.

12. Trong khi Thế Tôn ở tại Bhoganagara, pháp thoại này được giảng cho chúng Tỷ-kheo:

– Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ, Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu.

13. Rồi Thế Tôn, sau khi ở tại Bhoganagara cho đến khi Ngài xem là vừa đủ, liền bảo tôn giả Ananda:

– Này Ananda, chúng ta sẽ đi đến Pàvà.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn. Và Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến Pàvà, tại vườn xoài của Cunda, một người thợ sắt.

14. Thợ sắt Cunda nghe: “Nay Thế Tôn đã đến Pàvà và hiện đang ở trong vườn xoài của ta”. Rồi thợ sắt Cunda đến tại chỗ Thế Tôn, khi đến xong liền đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Và Thế Tôn thuyết pháp cho thợ sắt Cunda đang ngồi một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ.

15. Và thợ sắt Cunda, sau khi được Thế Tôn thuyết pháp, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoa hỷ, liền bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời mời của con ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỷ-kheo”. Thế Tôn im lặng nhận lời.

16. Thợ sắt Cunda, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Ngài, thân phía hữu hướng về Ngài và từ biệt.

17. Và thợ sắt Cunda, sau khi đêm đã mãn, liền cho sửa soạn tại nhà các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm và nhiều thứ Sùkara-maddave (một loại mộc nhĩ), và báo tin cho Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, giờ đã đến, cơm đã sẵn sàng”.

18. Và Thế Tôn buổi sáng đắp y, mang theo y bát, cùng với chúng Tỷ-kheo đến nhà thợ sắt Cunda, khi đến xong liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi. Thế Tôn nói với thợ sắt Cunda:

– Này Cunda, loại mộc nhĩ đã soạn sẵn, hãy dọn cho ta. Còn các món ăn khác đã soạn sẵn, loại cứng và loại mềm, hãy dọn cho chúng Tỷ-kheo.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Thợ sắt Cunda vâng lời Thế Tôn, dọn cho Thế Tôn các món mộc nhĩ đã soạn sẵn, và dọn cho chúng Tỷ-kheo các món ăn khác, loại cứng và loại mềm.

19. Rồi Thế Tôn nói với thợ sắt Cunda:

– Này Cunda, món ăn mộc nhĩ còn lại. Ngươi hãy đem chôn vào một lỗ. Này Cunda, Ta không thấy một ai ở cõi Trời, cõi Người, ở Ma giới, ở Phạm thiên giới, không một người nào trong chúng Sa-môn và chúng Bà-la-môn, giữa những Thiên, Nhân, ăn món mộc nhĩ này mà có thể tiêu hóa được, trừ Như Lai.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Thợ sắt Cunda vâng theo Thế Tôn, đem chôn món ăn mộc nhĩ còn lại vào một lỗ, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho thợ sắt Cunda đang ngồi xuống một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ rồi từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

20. Sau khi dùng cơm của thợ sắt Cunda, Thế Tôn bị nhiễm bệnh nặng, bệnh lỵ huyết, đau đớn gần như đến chết, và Thế Tôn chánh niệm tĩnh giác, nhẫn nại, chịu đựng cơn bệnh.

Rồi Thế Tôn nói với tôn giả Ananda:

– Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Kusinàra.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn.

Tôi nghe: Sau khi dùng cơm tại nhà thợ sắt Cunda.
Cơn bệnh khốc liệt bỗng khởi lên, gần như chết đến nơi.
Sau khi cùng món ăn loại mộc nhĩ.
Kịch bệnh khởi lên nơi bậc Đạo Sư.
Điều phục bệnh hoạn, Thế Tôn dạy rằng:
“Ta đi đến thành Kusinàra”.

21. Rồi Thế Tôn bước xuống đường, đến một gốc cây và nói với Tôn giả Ananda:

– Này Ananda, hãy xếp tư áo Sanghàti. Ta cảm thấy mệt mỏi và muốn ngồi nghỉ, này Ananda.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn và xếp tư áo Sanghàti lại.

22. Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, và nói với Tôn giả Ananda:

– Này Ananda, hãy đem nước cho Ta. Này Ananda, Ta nay đang khát và muốn uống nước.

Khi được nói vậy, tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, vừa mới có khoảng năm trăm cỗ xe chạy qua. Do bánh xe khuấy lên, nước trở thành nông cạn, khuấy động và vẩn đục. Bạch Thế Tôn, sông Kakutthà không xa ở đây, nước thuần tịnh, dễ chịu, mát mẻ, trong sáng, dễ đến và khả ái. Tại đó, Thế Tôn có thể uống nước và làm dịu mát chân tay.

23. Lần thứ hai, Thế Tôn nói với tôn giả Ananda:

– Này Ananda, hãy đem nước uống cho Ta. Này Ananda, Ta nay đang khát và muốn uống nước.

Lần thứ hai tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, vừa mới có khoảng năm trăm cỗ xe chạy qua. Do bánh xe khuấy lên, nước trở thành nông cạn, khuấy động và vẩn đục. Bạch Thế Tôn, sông Kakutthà không xa ở đây, nước thuần tịnh, dễ chịu, mát mẻ, trong sáng, dễ đến và khả ái. Tại đó, Thế Tôn có thể uống nước và làm dịu mát chân tay.

24. Lần thứ ba, Thế Tôn nói với tôn giả Ananda:

– Này Ananda, hãy đem nước uống cho Ta. Này Ananda, Ta nay đang khát và muốn uống nước.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn, lấy bát và đi đến con sông nhỏ. Con sông đang chảy nông cạn, khuấy động và vẩn đục, khi tôn giả Ananda đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lặng, không vẩn đục.

25. Tôn giả Ananda tự nghĩ: “Thật kỳ diệu thay, thật hy hữu thay thần túc và uy lực của Như Lai. Con sông nhỏ đang chảy nông cạn, khuấy động và vẩn đục này, khi ta đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lặng và không vẩn đục”. Sau khi dùng bát lấy nước, tôn giả Ananda đến chỗ Thế Tôn và bạch với Ngài:

– Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu! Bạch Thế Tôn thật là hy hữu. Bạch Thế Tôn, con sông nhỏ đang chảy nông cạn, khuấy động và vẩn đục này, khi con đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lặng và không vẩn đục. Xin thỉnh Thế Tôn dùng nước. Xin thỉnh Thiện Thệ dùng nước!

Và Thế Tôn uống nước.

26. Lúc bấy giờ, Pukkusa, dòng họ Mallà, đệ tử của ngài Alàra Kàlàma đang đi trên con đường từ Kusinàra đến Pàvà.

Pukkusa, dòng họ Mallà thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Pukkusa, dòng họ Mallà, bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu, bạch Thế Tôn thật là hy hữu, trạng thái trầm tĩnh của một vị xuất gia!

27. Bạch Thế Tôn, thuở xưa, ngài Alàra Kàlàma đang đi trên đường. Rồi ngài bước xuống đường và ngồi xuống một gốc cây, không xa con đường để nghỉ trưa. Bạch Thế Tôn, lúc ấy có khoảng năm trăm cỗ xe đi ngang qua gần ngài Alàra Kàlàma. Bạch Thế Tôn, có một người đi theo sau lưng đoàn xe ấy, đễn chỗ ngài Alàra Kàlàma và nói với ngài: “Tôn giả có thấy khoảng năm trăm cỗ xe vừa đi qua không?” – “Này Hiền giả, ta không thấy”. – “Tôn giả có nghe tiếng không?” – “Này Hiền giả, ta không nghe tiếng”. – “Có phải Tôn giả đang ngủ không?” – “Này Hiền giả, không phải ta đang ngủ”. – “Vậy có phải Tôn giả đang thức tỉnh?” – “Này Hiển giả, ta đang thức tỉnh”. – “Tôn giả đang thức tỉnh nhưng không thấy khoảng năm trăm cỗ xe vừa đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe thấy tiếng. Bạch Tôn giả, cái áo của Tôn giả cũng bị lấm bụi”. – “Này Hiền giả, phải, áo ta bị lấm bụi”.

Bạch Thế Tôn, người ấy liền tự nghĩ: “Thật là kỳ diệu, thật là hy hữu sự trầm tĩnh của vị xuất gia. Trong khi giác tỉnh, còn thức nhưng không thấy năm trăm cỗ xe vừa đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe tiếng”. Sau khi tỏ sự thâm tín đối với ngài Alàra Kàlàma, vị ấy từ biệt.

28. – Này Pukkusa, nhà ngươi nghĩ thế nào? Cái gì khó làm hơn, cái gì khó thực hiện hơn? Một người trong khi giác tỉnh, còn thức mà không thấy năm trăm cỗ xe vừa đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe tiếng. Hay một người đang giác tỉnh, còn thức, trong khi trời đang mưa, mưa tầm tã ào ào, trong khi điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, mà không thấy, cũng không nghe tiếng?

29. – Bạch Thế Tôn, nói gì đến năm trăm cỗ xe này, cho đến hoặc sáu trăm, hoặc bảy trăm, hoặc tám trăm, hoặc chín trăm, hoặc một ngàn, cho đến trăm ngàn cỗ xe, cũng không thể so sánh được. Thật khó làm hơn, khó thực hiện hơn, một người đang giác tỉnh, còn thức, trong khi trời đang mưa, mưa tầm tã ào ào, trong khi điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, mà không thấy cũng không nghe tiếng.

30. – Này Pukkusa, một thời, Ta ở Atumà, tại nhà đập lúa. Lúc bấy giờ trời mưa, mưa tầm tã ào ào, điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, có hai anh em nông phu, và bốn con bò đực bị sét đánh chết. Này Pukkusa, một số đông người từ Atumà đi ra đến tại chỗ hai anh em nông phu và bốn con bò đực bị sét đánh chết…

31. Này Pukkusa, lúc bấy giờ Ta từ nhà đập lúa đi ra và đi qua đi lại ngoài trời, trước cửa nhà đập lúa, Này Pukkusa, có một người từ nơi đám đông ấy đi ra, đến chờ Ta, đảnh lễ và đứng một bên. Và Ta nói với người ấy đang đứng một bên:

32: – “Này Hiền giả, vì sao có số đông người tụ họp như vậy?” – Bạch Thế Tôn vừa rồi trời đang mưa, mưa tầm tã ào ào, điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, có hai anh em nông phu, và bốn con bò đực bị sét đánh chết. Do vậy mà có số đông người ấy tụ họp tại đây. Bạch Thế Tôn, lúc ấy Ngài ở tại chỗ nào?” – “Này Hiền giả, lúc ấy Ta ở tại đây”. “Bạch Thế Tôn, Ngài không thấy gì cả sao?” – “Này Hiền giả, Ta không thấy gì”. – “Bạch Thế Tôn, Ngài không nghe tiếng gì cả sao?” – “Này Hiền giả, Ta không nghe tiếng gì?” – “Bạch Thế Tôn, có phải Ngài đang ngủ, phải không?” – “Này Hiền giả, không phải ta đang ngủ”. – “Bạch Thế Tôn, có phải Ngài đang tỉnh thức phải không?” – “Này Hiền giả, phải”. – “Bạch Thế Tôn, Ngài đang tỉnh thức, nhưng trong khi trời mưa, mưa tầm tã ào ào, điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, có hai anh em nông phu và bốn con bò đực bị sét đánh chết, nhưng Ngài không thấy, cũng không nghe gì”. – Này Hiền giả, phải như vậy”.

33. Này Pukkusa, người ấy liền tự nghĩ: “Thật là kỳ diệu, thật là hy hữu sự trầm lặng của vị xuất gia, khi thức tỉnh, dầu có mưa tầm tã ào ào, điện quang chói lòa, sấm sét vang động, có hai anh em nông phu và bốn con bò đực bị sét đánh chết mà không thấy gì, không nghe gì hết”. Sau khi nói lên lòng tin tưởng ở nơi Ta, người ấy đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về phía Ta và từ biệt.

34. Khi được nói vậy, Pukkusa, dòng họ Mallà bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, sự tin tưởng của con đối với ngài Alàra, Kàlàma, nay con đem rải rắc trước luồng gió lớn, nay con đem thả trôi vào dòng nước cuốn. Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn! Hy hữu thay bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày. Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

35. Rồi Pukkusa, dòng họ Mallà nói với một người khác: “Này bạn, hãy đem đến một cặp áo màu kim sắc, vàng chói và sẵn sàng để mặc”. – “Tôn giả, xin vâng”. Người ấy vâng lời Pukkusa, dòng họ Mallà và đem đến một cặp áo màu kim sắc, vàng chói và sẵn sàng để mặc.

Rồi Pukkusa, dòng họ Mallà đem dâng một cặp áo màu kim sắc, vàng chói và sẵn sàng để mặc ấy cho Thế Tôn và nói:

– Bạch Thế Tôn, cặp áo màu kim sắc, vàng chói và sẵn sàng để mặc. Mong Thế Tôn vì thương xót con mà thâu nhận cho.

– Này Pukkusa, hãy đắp cho Ta một áo và đắp cho Ananda một áo.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Pukkusa, dòng họ Mallà vân lời Thế Tôn, đắp một áo cho Ngài và đắp một áo cho tôn giả Ananda.

36. Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho Pukkusa, người dòng họ Mallà, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ. Và Pukkusa, người dòng họ Mallà, sau khi được Thế Tôn thuyết pháp, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Thế Tôn và từ biệt.

37. Khi Pukkusa, dòng họ Mallà đi chưa được bao lâu, tôn giả Ananda đem cặp áo màu kim sắc, vàng chói và sẵn sàng để mặc này đặt trên thân Thế Tôn, và khi cặp áo này được đặt trên thân Thế Tôn, màu sắc sáng chói của áo như bị lu mờ đi. Và Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu, bạch Thế Tôn thật là hy hữu, sự thanh tịnh và sáng chói màu da của Như Lai! Bạch Thế Tôn, khi con đặt trên thân Thế Tôn, cặp áo màu kim sắc vàng chói và sẵn sàng để mặc này, màu sắc sáng chói của áo như bị lu mờ đi.

– Thật vậy, này Ananda. Này Ananda, có hai trường hợp, màu da của Như Lai hết sức thanh tịnh và sáng chói. Thế nào là hai? Này Ananda, trong đêm Như Lai chứng vô thượng Chánh Đẳng Giác và trong đêm Như Lai sắp diệt độ, nhập Niết-bàn giới, không còn dư y sanh tử nữa. Này Ananda, đó là hai trường hợp, màu da của Như Lai hết sức thanh tịnh và sáng chói.

38. Này Ananda, hôm nay khi canh cuối cùng đã mãn, tại Upavattana ở Kusinàrà, trong rừng Sàla của dòng họ Mallà, giữa hai cây sàla song thọ, Như Lai sẽ diệt độ. Này Ananda, chúng ta hãy đi đến sông Kakutthà.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn:

Cặp áo kim sắc này.
Pukkusa mang đến.
Đắp áo kim sắc này,
Da Đạo Sư sáng chói.

39. Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến con sông Kakutthà, xuống sông tắm và uống nước rồi lội qua bờ bên kia, đi đến rừng xoài và tại đây, nói với đại đức Cundaka:

– Này Cundaka, hãy xếp áo Sanghàti làm bốn cho Ta. Này Cundaka, Ta nay mệt mỏi, muốn nằm nghỉ.

– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Đại đức Cundaka vâng lời Thế Tôn và xếp áo Sanghàti làm bốn.

40. Rồi Thế Tôn nằm xuống phía hông bên mặt như dáng điệu con sư tử, hai chân để trên nhau, chánh niệm, tỉnh giác, suy tư, với ý niệm ngồi dậy lại khi phải thời. Và đại đức Cundaka ngồi phía trước Thế Tôn.

41.

Đức Phật tự đi đến
Con sông Kakutthà.
Con sông chảy trong sáng.
Mát lạnh và thanh tịnh.
Vị Đạo Sư mỏi mệt
Đi dần xuống mé sông.
Như Lai đấng Vô Thương
Ngự trị ở trên đời
Tắm xong, uống nước xong,
Lội qua bên kia sông.
Bậc Đạo Sư đi trước,
Giữa Tăng chúng Tỷ-kheo,
Vừa đi vừa diễn giảng.
Chánh pháp thật vi diệu.
Rồi bậc Đại Sĩ đến,
Tại khu vực rừng xoài.
Cho gọi vị Tỷ-kheo,
Tên họ Cundaka:
“Hãy gấp tư áo lại,
Trải áo cho ta nằm.
Nghe dạy, Cundaka
Lập tức vâng lời dạy,
Gấp tư và trải áo,
Một cách thật mau lẹ.
Bậc Đạo Sư nằm xuống
Thân mình thật mệt mỏi.
Tại đây Cundaka,
Ngồi ngay phía trước mặt.

42. Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:

– Này Ananda, rất có thể có người làm cho thợ sắt Cunda hối hận: “Này Hiền giả Cunda, thật không lợi ích gì cho Ngươi, thật là tai hại cho Ngươi, vì Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ Ngươi cúng dường, và nhập diệt”. Này Ananda, cần phải làm tiêu tan sự hối hận ấy của thợ sắt Cunda: “Này Hiền giả, thật là công đức cho bạn, vì được Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ bạn cúng dường, và nhập diệt. Này Hiền giả Cunda, tôi tự thân nghe, tự thân lãnh thọ lời nói này của Thế Tôn: “Có hai sự cúng dường ăn uống đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác? Thế nào là hai? Một là bữa ăn trước khi Như Lai chứng vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, hai là bữa ăn trước khi Như Lai diệt độ Niết-bàn giới, không còn di hưởng sanh tử. Hai bữa ăn này đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác. Nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng tuổi thọ; nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng sắc đẹp; nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng an lạc; nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng danh tiếng; nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ đợưc hưởng cõi trời, nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng uy quyền”.

Này Ananda, cần phải làm cho thợ sắt Cunda tiêu tan hối hận.

43. Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu ý nghĩa này, liền thốt lời cảm khái như sau:

Công đức người bố thí,
Luôn luôn được tăng trưởng,
Trừ được tâm hận thù.
Không chất chứa, chế ngựa,
Kẻ chí thiện từ bỏ.
Mọi ác hạnh bất thiện,
Diệt trừ tham, sân, si.
Tâm giải thoát thanh tịnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *