Kinh - Kệ

Bồ Tát Phổ Hiền

Thiền Tông phổ biến tại Chùa Thiền Tông Tân Diệu, được Nhà sưu tầm Thiền học Phật giáo là soạn giả Nguyễn Nhân góp nhặt lại, biên soạn và viết ra thành 12 quyển sách nói về Pháp môn tu Thiền Tông, được những người trong và ngoài nước đọc… Trong quá trình học Thiền Tông có một số Kinh sách của 5 Pháp môn để tham khảo phục vụ cho việc học Thiền Tông.

  Thiền Tông    Videos    Sách   Giải đáp   Album

✍️ Mục lục: Kinh sách của 5 Pháp môn tham khảo trong quá trình học Thiền Tông

Mục lục: Kinh Hạnh nguyện Phổ Hiền

01. Mục lục – Bồ Tát Phổ Hiền
02. Hạnh nguyện Phổ Hiền (Lời)
03. Hạnh nguyện Phổ Hiền (Kệ)

Phổ Hiền Bồ Tát là ai?

Phổ Hiền Bồ Tát (dịch âm là Tam mạn đà bạt đà la, hoặc Tam mạn đà bạt đà, zh. pǔxián 普賢, sa. samantabhadra, ja. fugen, bo. kun tu bzang po ཀུན་ཏུ་བཟང་པོ་). Phổ là biến khắp, Hiền là Đẳng giác Bồ tát, Phổ Hiền là vị Bồ tát Đẳng giác có năng lực hiện thân khắp Mười Phương Pháp Giới, tùy mong cầu của chúng sanh mà hiện thân hóa độ. Ngài là một trong những vị Bồ Tát quan trọng trong Phật giáo Đại thừa. Theo kinh Pháp Hoa, Ngài là vị Bồ tát ở Quốc độ của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương Như Lai, phía Đông cõi Ta Bà, nghe Thế Giới này thuyết kinh Pháp Hoa liền lãnh Đạo năm trăm vị Đại Bồ tát đến nghe pháp và phát tâm hộ trì Chánh pháp của Đức Phật Thích Ca.

Phổ Hiền được xem là người hộ vệ của những ai tuyên giảng Đạo pháp và đại diện cho “Bình đẳng tính trí” tức là trí huệ thấu hiểu cái nhất thể của sự đồng nhất và khác biệt. Bồ Tát Phổ Hiền hay được thờ chung với Phật Thích Ca và Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi (sa. mañjuśrī). Bồ Tát cưỡi voi trắng sáu ngà, voi trắng tượng trưng cho trí huệ vượt chướng ngại, sáu ngà cho sự chiến thắng sáu giác quan. Trong hệ thống Ngũ Phật, Phổ Hiền được xem ở trong nhóm của Phật Đại Nhật (sa.vairocana). Biểu tượng của Phổ Hiền là ngọc như ý, hoa sen, có khi là trang sách ghi thần chú của Bồ Tát.

GIỚI THIỆU

“Hạnh nguyện Phổ Hiền” (Phổ Hiền Hạnh nguyện) vốn không phải là một phẩm kinh riêng biệt, mà chỉ là phần chót (quyển 40) của bộ kinh Tứ Thập Hoa Nghiêm, gồm 40 quyển. Bộ kinh này có tên đầy đủ là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh nguyện Phẩm, cũng gọi là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh nguyện Phẩm, hay chỉ gọi tắt là Phổ Hiền Hạnh nguyện Phẩm; được thu vào bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (gọi tắt là tạng Đại Chánh), tập 10, mang số 293. Bộ kinh Tứ Thập Hoa Nghiêm chỉ có một phẩm, mang tên “Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh nguyện Phẩm”, được chia ra làm 40 quyển; và đoạn kinh được gọi là “Phổ Hiền Hạnh nguyện” này chính là nội dung của toàn quyển 40 như vừa nói trên.

Kinh Hoa Nghiêm gồm có ba bản dịch:

1) Bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, cũng gọi là Cựu Hoa Nghiêm Kinh, và thường được gọi là Lục Thập Hoa Nghiêm Kinh, được thu vào tạng Đại Chánh, tập 9, mang số 278 (từ trang 395 đến trang 788), gồm 60 quyển, do ngài Phật Đà Bạt Đà La (người nước Thiên Trúc) dịch tại kinh đô Kiến Khang, vào thời Đông Tấn (317-420). Bộ này chưa được đầy đủ.

2) Bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, được gọi là Tân Hoa Nghiêm Kinh, và thường được gọi là Bát Thập Hoa Nghiêm Kinh, được thu vào tạng Đại Chánh, tập 10, mang số 279 (từ trang 1 đến trang 444), gồm 80 quyển, do ngài Thật Xoa Nan Đà (người nước Vu Điền) dịch tại kinh đô Lạc Dương, dưới thời nữ hoàng Vũ Tắc Thiên (624-705). Bộ này đầy đủ hơn bộ trên, nhưng vẫn chưa trọn vẹn.

3) Bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh nguyện Phẩm, thường được gọi là Tứ Thập Hoa Nghiêm Kinh, được thu vào tạng Đại Chánh, tập 10, mang số 293 (từ trang 661 đến trang 848), gồm 40 quyển, do ngài Bát Nhã (người nước Kế Tân) dịch tại kinh đô Trường An, dưới triều vua Đường Đức Tông (780-805).

Trong 3 bộ kinh trên, bộ Lục Thập Hoa Nghiêm có 34 phẩm; bộ Bát Thập Hoa Nghiêm có 39 phẩm; còn bộ Tứ Thập Hoa Nghiêm thì chỉ có 1 phẩm, đó là phẩm “Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh nguyện”. Phẩm này cũng thấy có trong hai bộ kinh Hoa Nghiêm trên: trong bộ Lục Thập Hoa Nghiêm, nó là phẩm cuối cùng, tức phẩm 34, có tên là “Nhập Pháp Giới Phẩm”, bao gồm từ quyển 44 đến quyển 60; trong bộ Bát Thập Hoa Nghiêm, nó cũng là phẩm cuối cùng, tức phẩm 39, cũng có tên là “Nhập Pháp Giới Phẩm”, bao gồm từ quyển 60 đến quyển 80. Xét ra, phẩm “Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh nguyện” trong bộ Tứ Thập Hoa Nghiêm, dù được gọi tên khác với phẩm “Nhập Pháp Giới” trong hai bộ Lục Thập và Bát Thập Hoa Nghiêm, nhưng nội dung của chúng thì không khác nhau bao nhiêu; chỉ có một điều đặc biệt: Ở phần cuối của phẩm “Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh nguyện” trong bộ Tứ Thập Hoa Nghiêm có thêm đoạn kinh được gọi là “Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh nguyện Phẩm” (cũng gọi là “Phổ Hiền Hạnh nguyện Phẩm”), mà trong phẩm “Nhập Pháp Giới” ở hai bộ Lục Thập và Bát Thập Hoa Nghiêm không có. Trong bộ Lục Thập Hoa Nghiêm có phẩm “Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh” (phẩm 31), và trong bộ Bát Thập Hoa Nghiêm có phẩm “Phổ Hiền Hạnh” (phẩm 36), nhưng nội dung của cả hai phẩm ấy đều không tương đồng với phẩm Phổ Hiền Hạnh nguyện ở đây.

Như vậy, phẩm “Phổ Hiền Hạnh nguyện” này vốn không có tên riêng, vì không phải là một phẩm riêng biệt. Nhưng nó đã chiếm trọn một quyển 40, tức quyển cuối cùng của bộ kinh Tứ Thập Hoa Nghiêm. Bộ kinh này, sau khi ngài Bát Nhã dịch xong, đã được ngài Trừng Quán (738-839) sớ giải; sau đó, quyển 40 này lại được trích riêng ra, làm thành bản kinh biệt hành, được đặt tên là “Phổ Hiền Hạnh nguyện Phẩm, và được lưu hành cho đến ngày nay. Hiện tại nó được các giới học Phật ấn hành và phổ biến sâu rộng với các tên như: Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh nguyện Phẩm, hay Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Phổ Hiền Hạnh nguyện Phẩm, hoặc ngắn hơn như Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh nguyện Phẩm, và ngắn nhất là Phổ Hiền Hạnh nguyện Phẩm; đó chính là quyển kinh ngắn mà chúng tôi xin đem tâm thành dịch ra Việt văn sau đây.

Về hình thức, phẩm kinh “Phổ Hiền Hạnh nguyện” có hai phần: phần trước là văn xuôi; phần sau là văn kệ tụng. Về nội dung, phẩm kinh này nêu rõ 10 Hạnh nguyện rộng lớn của đức Bồ Tát Phổ Hiền. Tuy nói là Hạnh nguyện của đức Bồ Tát Phổ Hiền, nhưng đó cũng là những Hạnh nguyện lớn lao của chung Bốn Chúng. Thực hành rốt ráo 10 Hạnh nguyện này thì con đường đi tới Đạo quả Bồ Đề không còn bao xa. Đặc biệt, đây là phẩm kinh qui kết toàn bộ giáo nghĩa kinh Hoa Nghiêm; mà trong sự qui kết này lại cực lực đề xướng mục tiêu “vãng sinh Tịnh Độ”. Bởi vậy chư Cổ Đức đã liệt phẩm kinh Phổ Hiền Hạnh nguyện này vào một trong năm kinh căn bản của tông Tịnh Độ (Tịnh Độ Ngũ Kinh), gồm có: A Di Đà Kinh, Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Vô Lượng Thọ Kinh, Lăng Nghiêm Kinh Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương, và Hoa Nghiêm Kinh Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh nguyện Phẩm.

Người dịch Phẩm Phổ Hiền Hạnh nguyện (cũng tức là toàn bộ kinh Tứ Thập Hoa Nghiêm) này từ Phạn văn ra Hán văn là tam tạng pháp sư Bát Nhã (Prajna, 734-?). Ngài là người nước Kế Tân, ở phía Bắc Thiên Trúc, 7 tuổi xuất gia, 20 tuổi thọ đại giới. Năm 23 tuổi ngài đến Trung Thiên Trúc, vào học viện Na-lan-đà, theo học với ba vị đại luận sư thời bấy giờ là Trí Hộ, Trí Hữu và Tấn Hữu, thông hiểu các môn Du Già, Duy Thức, Ngũ Minh, v.v… Sau đó, ngài xuống thuyền chu du khắp các nước vùng biển Nam-hải. Năm 781 (đời vua Đường Đức-tông) ngài đến Quảng Châu, rồi ra Trường An; năm 788 khởi sự dịch kinh Mật giáo. Năm 790 ngài vâng chiếu chỉ của vua Đường Đức-tông (780-805), đi sứ sang nước Ca-thấp-di-la. Sau đó không bao lâu, ngài được vua ban hiệu là Bát Nhã tam tạng cùng áo cà sa tía; rồi lại tiếp tục công việc dịch kinh. Phẩm Phổ Hiền Hạnh nguyện (cũng tức là toàn bộ kinh Tứ Thập Hoa Nghiêm) này đã được ngài dịch tại chùa Sùng-phúc ở Trường An, vào năm 796, đến năm 798 thì hoàn tất. Ngài viên tịch tại Lạc Dương, nhưng không rõ là năm nào. Các dịch phẩm khác của ngài có: Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa Kinh, Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán Kinh, và Thủ Hộ Quốc Giới Chủ Đà La Ni Kinh.

Kính giới thiệu,
Cư sĩ Hạnh Cơ
Miền Tây Gia Nã Đại,
Ngày Hạ Huyền tháng Mười năm Ất Dậu,
2005 (PL 2549)

✍️ Xem tiếp:

Nguồn Quê Xưa

Để biết thêm chi tiết, xin vui lòng liên hệ với KênhNhóm trên Telegram

      

   

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *