Kinh Pháp Bảo Đàn
✍️ Mục lục: Kinh Pháp Bảo Đàn
PHẨM THỨ SÁU: SÁM HỐI
DỊCH
Khi ấy Tổ thấy sĩ thứ bốn phương từ Quảng Châu, Thiều Châu đua nhau đến trong núi nghe pháp, Tổ mới đăng tòa bảo chúng: “Đến đây, các Thiện tri thức, tánh này phải từ trong tự tánh mà khởi, trong tất cả thời, mỗi niệm tự tịnh tâm kia, tự tu, tự hành, thấy Pháp thân của mình, thấy tâm Phật của mình, tự độ, tự giới mới được, không nhờ đến đây. Đã từ xa đến, một hội ở đây đều cùng có duyên, nay có thể mỗi vị quì gối, trước tôi vì truyền cho Tự Tánh Ngũ phần Pháp thân hương, kế đó là trao Vô tướng sám hối.”
Chúng đều quì gối, Tổ bảo:
“Một là Giới hương, tức là trong tâm mình không có quấy, không có ác, không tật đố, không tham sân, không cướp hại, gọi là Giới hương.
Hai là Định hương tức là thấy các cảnh tướng thiện ác, tự tâm chẳng loạn gọi là Định hương.
Ba là Tuệ hương là tâm mình không ngại, thường dùng trí tuệ quán chiếu tự tánh, chẳng tạo các ác, tuy tu các hạnh lành mà tâm không chấp trước, kính bậc trên thương kẻ dưới, cứu giúp người cô bần, gọi là Tuệ hương.
Bốn là Giải thoát hương tức tự tâm mình không có chỗ phan duyên, chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, tự tại vô ngại gọi là Giải thoát hương.
Năm là Giải thoát tri kiến hương tự tâm đã không có chỗ phan duyên thiện ác, không thể trầm không trệ tịch, tức phải học rộng nghe nhiều biết bản tâm mình, đạt được lý của chư Phật, hòa quang tiếp vật, không ngã không nhân, thẳng đến Bồ-đề, chân tánh không đổi, gọi là Giải thoát tri kiến hương.
Này Thiện tri thức, hương này mỗi người tự huân ở trong, chớ hướng ra ngoài tìm.
Nay tôi vì các ông trao Vô tướng sám hối để diệt tội trong ba đời, khiến được ba nghiệp thanh tịnh. Này Thiện tri thức, mỗi người đồng thời nói theo lời tôi :
Đệ tử chúng con, từ niệm trước, niệm hiện nay và niệm sau, mỗi niệm không bị ngu mê làm nhiễm, từ trước có những nghiệp ác, ngu mê v.v… các tội, thảy đều sám hối, nguyện một lúc tiêu diệt, hằng không khởi lại.
Đệ tử chúng con từ niệm trước, niệm hiện nay và niệm sau, mỗi niệm không bị kiêu cuống làm nhiễm, từ trước có những nghiệp ác, kiêu cuống v.v…các tội, thảy đều sám hối, nguyện một thời tiêu diệt, hằng không khởi lại. Đệ tử chúng con từ niệm trước, niệm hiện tại và niệm sau, mỗi niệm không bị tật đố làm nhiễm, từ trước có những nghiệp ác, tật đố v.v… các tội, thảy đều sám hối, nguyện một lúc tiêu diệt, hằng không khởi lại.
Này Thiện tri thức, về trước là Vô tướng Sám hối. Thế nào gọi là sám ? Thế nào gọi là hối ? Sám là sám những lỗi về trước, từ trước có những nghiệp ác ngu mê, kiêu cuống, tật đố v.v… các tội, thảy đều sám hết hằng không khởi lại, gọi đó là sám. Hối là hối những lỗi về sau, từ nay về sau có những nghiệp ác, ngu mê, kiêu cuống, tật đố v.v… các tội, nay đã giác ngộ, thảy đều hằng đoạn, lại không tạo lại, ấy gọi là hối, nên gọi là sám hối. Người phàm phu ngu mê, chỉ biết sám lỗi trước, chẳng biết hối lỗi sau, do vì không hối nên tội trước chẳng diệt, lỗi sau lại sanh. Tội trước đã chẳng diệt, lỗi sau lại sanh, sao gọi là sám hối được.
Này Thiện tri thức, đã sám hối xong, vì Thiện tri thức phát Tứ hoằng thệ nguyện, mỗi người phải dụng tâm chánh lắng nghe:
Tự tâm chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, Tự tâm phiền não vô biên thệ nguyện đoạn,
Tự tánh pháp môn vô tận thệ nguyện học,
Tự tánh Vô thượng Phật đạo thệ nguyện thành.
Này Thiện tri thức, cả thảy đâu chẳng nói: Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, nói thế ấy, vả lại không phải là Huệ Năng độ. Này Thiện tri thức, chúng sanh trong tâm, chỗ gọi tâm tà mê, tâm cuống vọng, tâm bất thiện, tâm tật đố, tâm ác độc, những tâm như thế trọn là chúng sanh, mỗi người nên tự tánh tự độ, ấy gọi là chân độ. Sao gọi là tự tánh tự độ ? Tức tự trong tâm những chúng sanh tà kiến, phiền não, ngu si, đem chánh kiến mà độ. Đã có chánh kiến bèn sử dụng trí Bát-nhã đánh phá những chúng sanh ngu si mê vọng, mỗi mỗi tự độ, tà đến thì chánh độ, mê đến thì ngộ độ, ngu đến thì trí độ, ác đến thì thiện độ, độ như thế gọi là chân độ. Lại phiền não vô biên thệ nguyện đoạn, đem tự tánh Bát- nhã trí trừ tâm tư tưởng hư vọng ấy vậy. Lại pháp môn vô tận thệ nguyện học, phải tự thấy tánh của mình, thường hành chánh pháp, ấy gọi là chân học. Lại Vô thượng Phật đạo thệ nguyện thành, đã thường hay hạ tâm hành nơi chân chánh, lìa mê, lìa giác, thường sanh Bát-nhã trừ chân trừ vọng, tức thấy được Phật tánh, liền ngay nơi lời nói, liền thành Phật đạo, thường nhớ tu hành, ấy là pháp nguyện lực.
Này Thiện tri thức, nay phát Tứ hoằng thệ nguyện rồi lại vì Thiện tri thức mà trao Vô tướng Tam qui y giới. Này Thiện tri thức,
Qui y Giác Lưỡng túc tôn, Qui y Chánh Ly dục tôn, Qui y Tịnh Chúng trung tôn.
Từ ngày nay trở đi xưng Giác làm thầy, lại chẳng qui y tà ma ngoại đạo, dùng tự tánh Tam Bảo thường tự chứng minh, khuyên Thiện tri thức qui y tự tánh Tam Bảo. Phật là Giác, Pháp là Chánh, Tăng là Tịnh vậy. Tự tâm qui y Giác, tà mê chẳng sanh, thiểu dục tri túc hay lìa tài sắc, gọi là Lưỡng túc tôn. Tự tâm qui y Chánh, niệm niệm không tà kiến, vì không tà kiến tức là không nhân ngã cống cao, tham ái, chấp trước gọi là Ly dục tôn. Tự tâm qui y Tịnh, tất cả cảnh giới trần lao ái dục, tự tánh đều không nhiễm trước gọi là Chúng trung tôn. Nếu tu hạnh này, ấy là tự qui y. Phàm phu không hiểu, từ sáng đến tối, thọ tam qui giới, nếu nói qui y Phật, Phật ở chỗ nào ? Nếu chẳng thấy Phật thì nương vào chỗ nào mà qui, nói lại thành vọng. Này Thiện tri thức, mỗi người tự quan sát, chớ lầm dụng tâm, kinh văn rõ ràng nói tự qui y Phật, chẳng nói qui y với Phật khác, tự Phật mà chẳng qui thì không có chỗ nào mà y được. Nay đã tự ngộ, mỗi người phải qui y tự tâm Tam Bảo, trong thì điều hòa tâm tánh, ngoài thì cung kính mọi người, ấy là tự qui y vậy.
Này Thiện tri thức, đã qui y tự Tam Bảo xong, mỗi người phải chí tâm, tôi vì nói một thể ba thân tự tánh Phật, khiến các ông thấy được ba thân rõ ràng tự ngộ tự tánh. Phải nói theo tôi:
Nơi tự sắc thân qui y Thanh Tịnh Pháp Thân Phật, Nơi tự sắc thân qui y Viên Mãn Báo Thân Phật, Nơi tự sắc thân qui y Thiên Bá Ức Hóa Thân Phật.
Này Thiện tri thức, sắc thân là nhà cửa không thể nói qui hướng, ba thân Phật ở trong tự tánh người đời thảy đều có, vì tự tâm mê không thấy tánh ở trong nên chạy ra ngoài tìm ba thân Như Lai, chẳng thấy ở trong thân có ba thân Phật. Các ông lắng nghe tôi nói khiến các ông ở trong tự thân thấy được tự tánh có ba thân Phật. Ba thân Phật này từ nơi tự tánh sanh, chẳng phải từ ngoài mà được.
Sao gọi là Thanh Tịnh Pháp Thân Phật ? Người đời bản tánh là thanh tịnh, muôn pháp từ nơi tánh mà sanh, suy nghĩ tất cả việc ác tức sanh hạnh ác, suy nghĩ tất cả việc lành tức sanh hạnh lành. Như thế các pháp ở trong tự tánh như trời thường trong, mặt trời mặt trăng thường sáng, vì mây che phủ nên ở trên sáng, ở dưới tối, chợt gặp gió thổi mây tan, trên dưới đều sáng, vạn tượng đều hiện. Tánh của người đời thường phù du như là mây trên trời kia. Này Thiện tri thức, trí như mặt trời, tuệ như mặt trăng, trí tuệ thường sáng, do bên ngoài chấp cảnh nên bị mây nổi vọng niệm che phủ tự tánh không được sáng suốt. Nếu gặp Thiện tri thức, nghe được pháp chân chánh, tự trừ mê vọng, trong ngoài đều sáng suốt, nơi tự tánh muôn pháp đều hiện. Người thấy tánh cũng lại như thế, ấy gọi là Thanh Tịnh Pháp Thân Phật.
Này Thiện tri thức, tự tâm qui y tự tánh là qui y chân Phật. Tự qui y là trừ bỏ trong tự tánh tâm bất thiện, tâm tật đố, tâm siểm khúc, tâm ngô ngã, tâm cuống vọng, tâm khinh người, tâm lấn người, tâm tà kiến, tâm cống cao và hạnh bất thiện trong tất cả thời, thường tự thấy lỗi mình, chẳng nói tốt xấu của người khác, ấy là tự qui y. Thường tự hạ tâm, khắp hành cung kính tức là thấy tánh, thông đạt lại không bị ngăn trệ, ấy là tự qui y.
Sao gọi là Viên Mãn Báo Thân Phật ? Thí như một ngọn đèn hay trừ ngàn năm tối, một trí tuệ hay diệt muôn năm ngu. Chớ suy nghĩ về trước, đã qua không thể được. Thường phải nghĩ về sau, mỗi niệm mỗi niệm tròn sáng, tự thấy bản tánh. Thiện ác tuy là khác mà bản tánh không có hai, tánh không hai đó gọi là tánh thật. Ở trong thật tánh không nhiễm thiện ác, đây gọi là Viên Mãn Báo Thân Phật. Tự tánh khởi một niệm ác thì diệt muôn kiếp nhân lành, tự tánh khởi một niệm thiện thì được hằng sa ác hết, thẳng đến Vô thượng Bồ-đề, niệm niệm tự thấy chẳng mất bản niệm gọi là Báo thân.
Sao gọi là Thiên Bá Ức Hóa Thân Phật ? Nếu chẳng nghĩ muôn pháp thì tánh vốn như không, một niệm suy nghĩ gọi là biến hóa. Suy nghĩ việc ác là hóa làm địa ngục, suy nghĩ việc thiện thì hóa làm thiên đường, độc hại thì hóa làm rồng rắn, từ bi thì hóa làm Bồ-tát, trí tuệ thì hóa làm thượng giới, ngu si thì hóa làm hạ giới. Tự tánh biến hóa rất là nhiều, người mê không hay tỉnh giác, mỗi niệm khởi ác thường đi trong con đường ác, xoay về một niệm thiện, trí tuệ liền sanh, đây gọi là tự tánh Hóa thân Phật.
Này Thiện tri thức, từ Pháp thân suy nghĩ tức là Hóa thân Phật, niệm niệm tự tánh tự kiến tức là Báo thân Phật, tự ngộ tự tu, tự tánh công đức, ấy là chân thật qui y. Da thịt là sắc thân, sắc thân đó là nhà cửa, không nói là qui y vậy. Chỉ ngộ tự tánh ba thân tức là biết được tự tánh Phật. Tôi có một bài tụng Vô Tướng, nếu người hay trì tụng, ngay nơi lời nói liền khiến cho ông, tội mê từ nhiều kiếp, một lúc liền tiêu diệt. Tụng rằng:
Người mê tu phước chẳng tu đạo, Chỉ nói tu phước liền là đạo,
Bố thí cúng dường phước vô biên, Trong tâm ba ác xưa nay tạo. Nghĩ muốn tu phước để diệt tội, Đời sau được phước, tội vẫn còn, Chỉ hướng trong tâm trừ tội duyên, Mỗi người tự tánh chân sám hối. Chợt gặp Đại thừa chân sám hối, Trừ tà hành chánh tức không tội, Học đạo thường nơi tự tánh quán, Tức cùng chư Phật đồng một loại. Tổ ta chỉ truyền pháp đốn giáo,
Khắp nguyện kiến tánh đồng một thể, Nếu muốn đời sau tìm Pháp thân,
Lìa các pháp tướng trong tâm sạch. Nỗ lực tự thấy chớ lơ là,
Một niệm chợt dứt một đời thôi, Nếu gặp Đại thừa được thấy tánh, Thành tâm cung kính chấp tay cầu.” (Mê nhân tu phúc bất tu đạo,
Chỉ ngôn tu phúc tiện thị đạo, Bố thí cúng dường phúc vô biên, Tâm trung tam ác nguyên lai tạo. Nghĩ tương tu phúc dục diệt tội,
Hậu thế đắc phúc, tội hoàn tại,
Đãn hướng tâm trung trừ tội duyên, Các tự tánh trung chân sám hối. Hốt ngộ Đại thừa chân sám hối, Trừ tàø hành chánh tức vô tội,
Học đạo thường ư tự tánh quán, Tức dữ chư Phật đồng nhất loại. Ngô Tổ duy truyền thử đốn pháp,
Phổ nguyện kiến tánh đồng nhất thể, Nhược dục đương lai mích Pháp thân, Ly chư pháp tướng tâm trung tẩy.
Nỗ lực tự kiến mạc du du,
Hậu niệm hốt tuyệt nhất thế hưu, Nhược ngộ Đại thừa đắc kiến tánh, Kiền cung hiệp chưởng chí tâm cầu.)
Tổ nói: “Này Thiện tri thức, phải tụng lấy, y đây tu hành, ngay nơi lời nói mà thấy tánh, tuy cách tôi ngàn dặm như thường ở bên cạnh tôi; nơi lời nói này mà chẳng ngộ tức là đối diện với tôi mà cách xa ngàn dặm, đâu cần từ xa đến đây. Trân trọng đi được an vui.”
Cả chúng nghe pháp rồi không ai mà chẳng khai ngộ, đều hoan hỷ phụng hành.
GIẢNG
Khi ấy Tổ thấy sĩ thứ bốn phương từ Quảng Châu, Thiều Châu đua nhau đến trong núi nghe pháp, Tổ mới đăng tòa bảo chúng: “Đến đây, các Thiện tri thức, tánh này phải từ trong tự tánh mà khởi, trong tất cả thời, mỗi niệm tự tịnh tâm kia, tự tu, tự hành, thấy Pháp thân của mình, thấy tâm Phật của mình, tự độ, tự giới mới được, không nhờ đến đây. Đã từ xa đến, một hội ở đây đều cùng có duyên, nay có thể mỗi vị quì gối, trước tôi vì truyền cho Tự Tánh Ngũ phần Pháp thân hương, kế đó là trao Vô tướng sám hối.”
Trong phẩm Sám Hối này Tổ dạy những phần sau đây: Ngũ phần Pháp thân hương, Vô tướng sám hối, Tứ hoằng thệ nguyện v.v…
Trước hết chúng tôi giảng về Ngũ phần Pháp thân hương. Đầu tiên Tổ thấy sĩ thứ từ xa đến núi nghe pháp, Ngài mới bảo: Tánh này ở ngay trong tánh của mình mà khởi, không phải từ ngoài. Như vậy muốn sống được tự tánh của mình thì trong tất cả thời mỗi niệm tự tịnh tâm mình, tự tu, tự hành, thấy được Pháp thân,thấy được tâm Phật của mình, tự độ, tự giới mới được, không phải nhờ đến núi này.
Bây giờ quí vị đã lỡ đến đây rồi, không lẽ làm thinh. Lẽ ra mỗi người phải tự tu, tự độ, nhưng quí vị đã đến đây tức là có duyên với nhau. Vậy quí vị hãy quì gối xuống, trước tôi sẽ truyền cho Tự tánh Ngũ phần Pháp thân hương, rồi sau sẽ trao cho Vô tướng sám hối.
Chúng đều quì gối, Tổ bảo:
“Một là Giới hương, tức là trong tâm mình không có quấy, không có ác, không tật đố, không tham sân, không cướp hại, gọi là Giới hương.
Hai là Định hương tức là thấy các cảnh tướng thiện ác, tự tâm chẳng loạn gọi là Định hương.
Ba là Tuệ hương là tâm mình không ngại, thường dùng trí tuệ quán chiếu tự tánh, chẳng tạo các ác, tuy tu các hạnh lành mà tâm không chấp trước, kính bậc trên thương kẻ dưới, cứu giúp người cô bần, gọi là Tuệ hương.
Một là Giới hương, là ngay ở trong tâm mình không có quấy, không có ác, không có tật đố, không có tham sân và không có cướp hại. Hai là Định hương, tức là thấy những cảnh tướng tốt xấu lành dữ ở bên ngoài mà tâm mình vẫn an nhiên bất động. Ba là Tuệ hương, đến đây Tổ dạy từ cao đến thấp, cao là tâm mình vô ngại, thường dùng trí tuệ quán chiếu tự tánh, kế đó là không tạo những điều ác, và tuy làm các điều lành mà tâm không chấp trước. Không tạo ác có khi làm được, còn khi tạo các điều lành mà không chấp thì dễ hay khó ? Tỉ dụ như có nhiều người thật tốt hay làm những điều lành, thấy ai gặp nguy hiểm hoặc nghèo đói, liền theo khả năng giúp đỡ, thật là tốt, nhưng giúp rồi thì nhớ hoài, giúp người này, lại kể cho người kia nghe. Như vậy tốt thì tốt, điều thiện thì có làm mà tâm vẫn còn chấp trước. Cho nên khi mình giúp đỡ ai, rồi mai chiều họ có vẻ quên ân bạc nghĩa thì mình tức giận. Vì vậy trước là làm điều thiện rồi sau lồng cái ác vào, đến khi tức giận thì nói nặng lời, hoặc có thể hại người nữa; cho nên trong cái thiện mà chấp thì nó dễ biến thành ác. Vì vậy chúng ta không làm ác là tốt rồi, mà khi làm thiện cũng đừng chấp nữa mới thật là hay, còn làm thiện mà chấp cũng không được. Chính điều này chúng tôi đã thấy khá nhiều qua kinh nghiệm sống. Có một vị có phương tiện sống dễ dàng, đem một đứa cháu mồ côi về nuôi nấng cho nó ăn mặc rất là đầy đủ, học hành đàng hoàng. Duy có một điều là khi nổi giận kể công ơn nuôi dưỡng đủ điều; khi đứa bé lớn lên nghe mãi lời kể ơn nó sanh chán nản, tự ái, chịu không nổi, rồi bỏ đi. Vì vậy làm ơn mà sau trở thành oán, là vì chấp vào việc làm thiện của mình. Cho nên chúng ta phải biết rõ điều thiện chúng ta làm rất tốt, rất đáng khen, nhưng không chấp nữa thì cái tốt mới thật là tốt, đó gọi là Tuệ hương. Nếu làm thiện mà còn chấp chưa phải là Tuệ hương. Điều ác không làm, và làm tất cả điều lành lại không có chấp lành đó mới thật là tốt. Kế đến, trên thì kính người trưởng thượng, dưới thì thương kẻ thấp kém hơn mình, tức là người trên mình cung kính, kẻ dưới mình thương yêu, đồng thời gặp ai côi cút cô bần mình giúp đỡ, được như vậy gọi là Tuệ hương.
Tổ dạy thật là kỹ vừa lý vừa sự đầy đủ, lý tức là tâm vô ngại, thường dùng trí tuệ quán chiếu tự tánh; sự là không làm ác, hằng làm lành mà không chấp, kính người trên, thương kẻ dưới, cứu giúp người cô bần, như vậy sự lý đầy đủ không thiếu sót. Nhưng có một ít người học đạo không hiểu thấu đáo, nghe lời Phật lời Tổ dạy trong kinh phải sống trở về tự tâm tự tánh của mình, rồi cứ chấp như vậy và nói tôi trở về tự tâm tự tánh, ai làm gì thì làm cũng bất cần. Đó là bệnh chấp lý mà bỏ sự. Người có trí tuệ biết sống trở về tự tâm tự tánh của mình, nhưng đối với người ngoài cũng phải có trí tuệ, bỏ ác làm lành; để cho cái lành được viên mãn là đừng chấp; rồi kính người trên thương kẻ dưới, đó mới là đạo đức. Nếu bảo đạo đức là trở về tự tâm mình, rồi đối với thiên hạ ngang ngang ngược ngược không kể ai hết, như vậy gọi là đạo đức chăng? Chúng ta thấy rõ Tổ dạy thật là chí lý, đầy đủ cả hai mặt lý và sự, không thiên lệch một bên nào. Đó là nói về Tuệ hương.
Bốn là Giải thoát hương tức tự tâm mình không có chỗ phan duyên, chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, tự tại vô ngại gọi là Giải thoát hương.
Giải thoát hương là tâm mình không có dính mắc, chữ phan duyên có nghĩa là vin theo, là dính mắc. Chỗ giải thoát này là tâm không dính mắc với ngoại cảnh, cũng không mắc kẹt với điều nghĩ lành nghĩ dữ; giải thoát là như vậy. Đừng nghĩ giải thoát là bay bổng lên mây xanh, mà giải thoát là tâm không chạy theo cảnh, không bị việc thiện việc ác lôi cuốn, được tự tại vô ngại, gọi đó là Giải thoát hương.
Năm là Giải thoát tri kiến hương, tự tâm đã không có chỗ phan duyên thiện ác, không thể trầm không trệ tịch, tức phải học rộng nghe nhiều biết bản tâm mình, đạt được lý của chư Phật, hòa quang tiếp vật, không ngã không nhân, thẳng đến Bồ-đề, chân tánh không đổi, gọi là Giải thoát tri kiến hương. Này Thiện tri thức, hương này mỗi người tự huân ở trong, chớ hướng ra ngoài tìm.
Đây là phần sâu hơn khi chúng ta không chạy theo cảnh, không dính cảnh, cũng không nghĩ thiện, không nghĩ ác, rồi mình mắc kẹt, chìm trong cái lặng lẽ đó, nên gọi là trầm không thủ tịch. Khi đến đây rồi tức phải học rộng nghe nhiều biết bản tâm mình, đạt được lý của chư Phật, hòa quang tiếp vật. Thế nào là hòa quang tiếp vật ? Chúng tôi mượn một thí dụ để hiểu: Như mỗi buổi sáng mặt trời lên, nhìn lên trên nhà, nếu là nhà tường nhà ngói, nhìn qua những chỗ kiếng, thấy ánh sáng rọi vào nhà. Nhìn chỗ ánh sáng rọi vào, chúng ta thấy những hạt bụi lẫn lộn bay. Như vậy ánh sáng là quang, bụi hòa lẫn trong chỗ ánh sáng đó. Nếu là nhà lá, qua mấy kẽ hở ánh sáng rọi vào nhà, chúng ta thấy bụi bay loanh quanh. Như vậy hòa quang nói cho đủ là hòa quang đồng trần, tức là đem ánh sáng hòa với bụi, đó là hình ảnh thí dụ để chỉ người đạt được lý đạo rồi, không chấp ở chỗ thanh tịnh của mình mà đi vào trong cuộc đời, lăn mình trong cảnh nhớp nhúa của xã hội, để làm lợi ích chúng sanh. Người đạt đạo thanh tịnh ví dụ như ánh sáng, còn chúng sanh mê muội ví như bụi, hai cái hòa nhau để mà tiếp dẫn tức là tiếp cứu, lợi tha, giúp đỡ họ và đưa họ ra khỏi chỗ mê lầm. Khi cứu giúp đời như vậy, người đạt đạo không có ngã, không có nhân, thẳng đến Bồ-đề, chân tánh không đổi, gọi đó là Giải thoát tri kiến hương.
Hương thứ năm này, mỗi ngày chúng ta thắp hương cầu nguyện mà thật không biết chừng nào chúng ta thực hành được. Hương thứ tư (Giải thoát hương) tuy khó mà còn có thể rán làm, còn hương thứ năm này đúng ra trong mười mục chăn trâu thuộc mục “buông thõng tay vào chợ”. Chỗ này chúng tôi nhắc lại một lần nữa cho thật rõ: Giải thoát tri kiến hương là gì ? Tức là tâm mình đã không có bị phan duyên thiện ác, không nghĩ thiện, không nghĩ ác rồi, mà cũng không mắc kẹt ở chỗ chìm nơi không, giữ nơi tịch. Không nghĩ thiện, không nghĩ ác rồi, bây giờ phải học cho nhiều, hiểu cho rộng, biết bản tâm mình, và đạt được lý của Phật dạy, gọi đó là tâm thông và thuyết thông. Được như vậy rồi phải lẫn lộn trong quần chúng để dìu dắt và giáo hóa họ. Khi dìu dắt và giáo hóa chúng sanh mà không thấy ngã, thấy nhân, chỉ một bề đưa họ tới Bồ-đề, mới là viên mãn bản nguyện. Đó là Giải thoát tri kiến hương. Nếu bây giờ chúng ta qui y cho các Phật tử, lâu lâu kiểm sổ coi năm nay được mấy trăm người qui y, đó cũng là còn ngã, còn nhân !
Đến đây chúng tôi nhắc lại, mỗi khi quí vị đến chùa thường nghe niệm Ngũ phần Pháp thân hương. Một là Giới hương tức là trong tâm mình không quấy, không ác, không tật đố, không tham sân, không cướp hại, đó là Giới hương. Hai là Định hương, tức là đối với tất cả cảnh tướng ác hay thiện, tốt hay xấu mình đều không có loạn, đó là Định hương. Ba là Tuệ hương tức là nơi tâm mình không có ngăn ngại và thường dùng trí tuệ quán chiếu tự tánh của mình, đó là về lý; về sự thì phải không làm ác, tu các điều lành mà đừng chấp lành, đồng thời kính bậc trên, thương kẻ dưới, cứu giúp kẻ cô bần, đó là Tuệ hương. Bốn là Giải thoát hương, tức là tâm mình không có chỗ phan duyên, nghĩa là không chạy theo cảnh cũng không nghĩ thiện, không nghĩ ác, được tự tại vô ngại, đó là Giải thoát hương. Năm là Giải thoát tri kiến hương tức là tâm mình đã không chạy theo cảnh bên ngoài rồi, lại cũng không chìm nơi không, kẹt nơi vắng lặng, mà phải học rộng hiểu nhiều, biết bản tâm mình rõ ràng, biết lý Phật một cách thấu đáo, để rồi lăn lộn trong quần chúng tiếp dẫn họ mà không thấy có mình có người, đưa họ thẳng đến Bồ-đề, không có chướng ngại, đó là Giải thoát tri kiến hương.
Đến phần sám hối, mỗi khi chúng ta sám hối phải thế nào cho đúng ?
Nay tôi vì các ông trao Vô tướng sám hối để diệt tội trong ba đời, khiến được ba nghiệp thanh tịnh. Này Thiện tri thức, mỗi người đồng thời nói theo lời tôi:
Đệ tử chúng con, từ niệm trước, niệm hiện nay và niệm sau, mỗi niệm không bị ngu mê làm nhiễm, từ trước có những nghiệp ác, ngu mê v.v… các tội, thảy đều sám hối, nguyện một thời tiêu diệt, hằng không khởi lại.
Đệ tử chúng con từ niệm trước, niệm hiện nay và niệm sau, mỗi niệm không bị kiêu cuống làm nhiễm, từ trước có những nghiệp ác, kiêu cuống v.v… các tội, thảy đều sám hối, nguyện một thời tiêu diệt, hằng không khởi lại.
Đệ tử chúng con từ niệm trước, niệm hiện tại và niệm sau, mỗi niệm không bị tật đố làm nhiễm, từ trước có những nghiệp ác, tật đố v.v… các tội, thảy đều sám hối, nguyện một lúc tiêu diệt, hằng không khởi lại.
Đây là Tổ đã trao pháp Vô tướng sám hối, tức Ngài dạy chúng ta sám hối từng tâm niệm, niệm trước, niệm hiện nay và niệm sau, mỗi niệm do ngu mê, do kiêu cuống, do tật đố làm ô nhiễm, tạo thành tội, đều xin sám hối, nguyện một lúc tiêu diệt, từ đây về sau không có khởi lại. Như vậy sám hối ngu mê, sám hối kiêu cuống, sám hối tật đố và nguyện không có khởi lại, gọi là “Vô tướng sám hối”. Ngu mê là si, kiêu cuống là tham, tật đố là sân.Tức là sám hối tất cả tội lỗi do tham sân si gây ra đều thanh tịnh.
Sau đây Tổ định nghĩa Sám hối là gì.
Này Thiện tri thức, về trước là Vô tướng Sám hối. Thế nào gọi là sám? Thế nào gọi là hối? Sám là sám những lỗi về trước, từ trước có những nghiệp ác ngu mê, kiêu cuống, tật đố v.v… các tội, thảy đều sám hết hằng không khởi lại, gọi đó là sám. Hối là hối những lỗi về sau, từ nay về sau có những nghiệp ác, ngu mê, kiêu cuống, tật đố v.v… các tội, nay đã giác ngộ, thảy đều hằng đoạn, lại không tạo lại, ấy gọi là hối, nên gọi là sám hối. Người phàm phu ngu mê, chỉ biết sám lỗi trước, chẳng biết hối lỗi sau, do vì không hối nên tội trước chẳng diệt, lỗi sau lại sanh. Tội trước đã chẳng diệt, lỗi sau lại sanh, sao gọi là sám hối được ?
Như vậy sám hối là gì ? Sám là sám những lỗi trước, còn hối là chừa những lỗi sau. Tỉ dụ như trong chúng ta có một Phật tử đã nguyện trước Tam Bảo giữ năm giới, trong ấy có giới không uống rượu. Một hôm nhân đi chơi với bạn bè, bất thần bị rủ vào ngồi quán, khi đó từ chối không được, uống hết một chung rượu. Đến khi về nhà, nghĩ lại biết mình có lỗi vì đã hứa trước Tam Bảo không được uống rượu; bữa nay vì bị rủ rê, lỡ uống rượu rồi, tức nhiên phải sám, nghĩa là đến trước Phật hoặc chư Tăng thưa rằng: “Con tên gì, pháp danh gì, trước đã nguyện giữ giới không uống rượu. Hôm nay vì si mê nên bị bạn bè rủ, con không giữ giới được, ngày nay con xin sám lỗi trước của con đã làm.” Chỉ sám như vậy chưa đủ, mà phải hối nữa: “Con nguyện từ nay về sau chừa cải không dám uống rượu nữa.” Có hối như vậy mới tránh được lỗi trước; nếu chỉ sám lỗi trước thôi, còn từ nay về sau không dám hứa chừa lỗi, như vậy không khỏi sẽ tái phạm lỗi cũ. Cho nên chúng ta sám lỗi trước mà cũng phải hứa từ đây về sau nhất định không phạm lại điều đó nữa, thì mới đủ ý nghĩa sám hối. Đa số chúng ta bây giờ thường sám lỗi trước thôi, còn phần sau thì để dành lại. Cho nên đến ngày ba mươi, ngày rằm đi tới chùa sám hối, vài ngày sau phạm y lỗi cũ; rồi đến ngày ba mươi, ngày rằm lại đi sám hối nữa, như thế hết năm này đến năm kia cũng không hết tội. Đó là vì lầm lẫn, không hiểu đúng ý nghĩa sám hối. Cho nên phải hiểu sám hối là nguyện sám lỗi trước, và nguyện chừa lỗi sau, như vậy mới gọi là sám hối.
Này Thiện tri thức, đã sám hối xong, vì Thiện tri thức phát Tứ hoằng thệ nguyện, mỗi người phải dụng tâm chánh lắng nghe:
Tiếp theo là phần Tứ hoằng thệ nguyện, bài nguyện này chúng ta hằng tụng trong mỗi buổi chiều tối. Ở đây Tổ dạy chúng ta có khác hơn một chút là:
Tựï tâm chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, Tự tâm phiền não vô biên thệ nguyện đoạn, Tự tánh pháp môn vô tận thệ nguyện học,
Tự tánh vô thượng Phật đạo thệ nguyện thành.
Này Thiện tri thức, cả thảy đâu chẳng nói: Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, nói thế ấy, vả lại không phải là Huệ Năng độ.
Tổ dạy như vậy, còn chúng ta luôn luôn đọc: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ…” như vậy là ai độ mình, hay mình độ ai ? Tổ bảo là không phải Ngài độ chúng ta được, Tổ dạy chúng sanh đây là chúng sanh ở trong tâm, chớ không phải chúng sanh bên ngoài. Chúng sanh trong tâm là gì ?
Này Thiện tri thức, chúng sanh trong tâm, chỗ gọi tâm tà mê, tâm cuống vọng, tâm bất thiện, tâm tật đố, tâm ác độc, những tâm như thế trọn là chúng sanh, mỗi người nên tự tánh tự độ, ấy gọi là chân độ.
Cho nên chúng ta học Tổ rồi mới hiểu được ý kinh. Như trong kinh Kim Cang Phật bảo: “Độ tất cả chúng sanh vào Vô dư Niết-bàn.” Nếu hiểu theo nghĩa chúng sanh bên ngoài thì không bao giờ hiểu nổi ý kinh. Nhờ Tổ giải chúng ta mới hiểu chúng sanh đây là chúng sanh ở trong tâm của mình. Chúng sanh trong tâm mình là chúng sanh nào ? Tức là chúng sanh tà mê, chúng sanh cuống vọng, chúng sanh bất thiện, chúng sanh tật đố, chúng sanh ác độc, chính những tâm đó là chúng sanh, chớ không có chúng sanh nào khác. Tâm tà mê dấy lên là chúng sanh, tâm cuống vọng dấy lên là chúng sanh, tâm bất thiện dấy lên là chúng sanh, tâm tật đố dấy lên là chúng sanh, tâm ác độc dấy lên là chúng sanh, tất cả những tâm đó dấy lên đều là chúng sanh cả, độ hết tất cả những chúng sanh ấy, cho nên gọi là tự tánh tự độ, tức là chúng ta độ ngay trong tự tánh của mình, chớ không phải độ ở ngoài, ấy gọi là chân độ, mới thật là độ chân chánh vậy.
Sao gọi là tự tánh tự độ ? Tức tự trong tâm những chúng sanh tà kiến, phiền não, ngu si, đem chánh kiến mà độ. Đã có chánh kiến bèn sử dụng trí Bát-nhã đánh phá những chúng sanh ngu si mê vọng, mỗi mỗi tự độ, tà đến thì chánh độ, mê đến thì ngộ độ, ngu đến thì trí độ, ác đến thì thiện độ, độ như thế gọi là chân độ.
Độ như vậy mới gọi là độ chân thật. Trong chúng ta đâu có người nào ích kỷ, phải vậy không ? Ngày nào chúng ta cũng độ chúng sanh bên ngoài, nhưng chúng sanh ngay trong tâm mình, mình không độ. Độ được chúng sanh trong tâm, mới độ được chúng sanh ở ngoài; chúng sanh trong tâm mà độ không được, thì chúng sanh ở ngoài không bao giờ độ được, tại sao vậy ? Tỉ dụ chúng sanh tật đố, chúng sanh sân hại mà mình chưa độ hết, lại độ người ở ngoài, khi tật đố hay sân hại dấy lên thì thế nào ? Lúc ấy muốn đánh họ, muốn giết họ. Thành ra không thể nào độ được chúng sanh ở ngoài, nếu chúng sanh ở trong chưa độ được. Vì vậy ở đây chúng ta phải độ chúng sanh ở trong trước, đó mới thật là độ. Nhưng khổ thay người tu chúng ta hiện nay muốn làm Bồ-tát quá sớm, lo độ chúng sanh ở ngoài mà chúng sanh ở trong không chịu độ, cho nên làm Bồ-tát một lúc rồi sanh sân hận, là vì độ ở ngoài rồi bị kẹt, ban đầu thì rất tốt nhưng sau hết tốt đi, đó là chỗ lầm lẫn của mình. Cho nên chúng ta lúc nào cũng sẵn sàng độ chúng sanh, mà gần nhất là chúng sanh trong tâm mình phải rán độ nó trước, sau đó độ chúng sanh ở ngoài mới được. Độ chúng sanh trong tâm mới là chân độ, đó là tự tâm chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.
Lại phiền não vô biên thệ nguyện đoạn, đem tự tánh Bát-nhã trí trừ tâm tư tưởng hư vọng ấy vậy.
Tức là đem trí tuệ Bát-nhã của tự tánh mình trừ dẹp những tâm tư hư vọng v.v…
Độ hết những tâm đó gọi là Tự tâm phiền não vô biên thệ nguyện đoạn.
Lại pháp môn vô tận thệ nguyện học, Phải tự thấy tánh của mình, thường hành chánh pháp, ấy gọi là chân học.
Học đây là học ngay nơi tự tánh của mình, tức là học pháp môn nào mà ngộ được tự tánh của mình, chớ không phải học những gì khác ở ngoài. Cho nên nói pháp môn vô tận thệ nguyện học là như vậy.
Lại vô thượng Phật đạo thệ nguyện thành, đã thường hay hạ tâm hành nơi chân chánh, lìa mê, lìa giác, thường sanh Bát-nhã trừ chân trừ vọng, tức thấy được Phật tánh, ngay nơi lời nói, liền thành Phật đạo, thường nhớ tu hành, ấy là pháp nguyện lực.
Tức là phải thấp tâm hạ lòng mình xuống, lìa hai bên mê giác, chân vọng, nghĩa là không bị mắc kẹt hai bên; ngay nơi một câu hay một lời nói liền thành Phật đạo. Đó là sức mạnh của nguyện mình.
Tóm lại trong phần “Tứ hoằng thệ nguyện”, Lục Tổ dạy chúng ta thệ nguyện như sau: Tự tâm chúng sanh của mình, mình phải độ, tự tâm phiền não của mình, mình cũng phải đoạn. Rồi nguyện học vô tận pháp môn tức là học pháp môn tự thấy tánh (kiến tánh), do thấy tánh để hành chánh pháp. Rồi do không mắc kẹt hai bên mê giác, chân vọng, ngay nơi đó liền thành Phật đạo Này Thiện tri thức, nay phát Tứ hoằng thệnguyện rồi lại vì Thiện tri thức mà trao Vô tướng Tam qui y giới. Này Thiện tri thức, Qui y Giác Lưỡng túc tôn, Qui y Chánh Ly dục tôn, Qui y Tịnh Chúng trung tôn.
Kế đến Tổ trao Vô tướng Tam qui y giới. Thường ở chùa chúng ta hay đọc: Qui y Phật Lưỡng túc tôn, Qui y Pháp Ly dục tôn, Qui y Tăng Chúng trung tôn. Nhưng Lục Tổ lại dạy khác: Qui y Giác Lưỡng túc tôn, Qui y Chánh Ly dục tôn, Qui y Tịnh Chúng trung tôn. Vậy Giác là giác của tự tâm, Chánh là chánh của tự tâm, và Tịnh là tịnh của tự tâm, đây là Phật Pháp Tăng của tự tâm; còn chúng ta qui y Phật Pháp Tăng ở ngoài, cho nên khác nhau ở chỗ đó.
Từ ngày nay trở đi xưng Giác làm thầy, lại chẳng qui y tà ma ngoại đạo, dùng tự tánh Tam Bảo thường tự chứng minh, khuyên Thiện tri thức qui y tự tánh Tam Bảo: Phật là Giác, Pháp là Chánh, Tăng là Tịnh vậy.
Như vậy qui y Giác là qui y Phật, đó là Phật của chính mình, không phải Phật nào khác. Giác, Chánh, Tịnh là sẵn nơi tự tâm của mình, chớ không ở đâu xa.
Tự tâm qui y Giác, tà mê chẳng sanh, thiểu dục tri túc, hay lìa tài sắc, gọi là Lưỡng túc tôn.
Chữ túc là chân, cũng có nghĩa là đủ. Lưỡng túc tôn là hai cái đầy đủ tức là tà mê chẳng sanh, thiểu dục tri túc hay lìa tài và sắc, lìa tài lìa sắc đó là lưỡng túc, hai cái đủ, lìa tà mê là hai cái đủ. Hai cái đó đều lìa được gọi là Lưỡng túc tôn.
Tự tâm qui y Chánh, niệm niệm không tà kiến, vì không tà kiến tức là không nhân ngã cống cao, tham ái, chấp trước gọi là Ly dục tôn.
Chánh tức là chánh kiến; bởi chánh kiến nên không có tà kiến; bởi không tà kiến nên mình không có chấp nhân, chấp ngã, cống cao, tham ái, chấp trước, lìa những tham dục, đó gọi là Ly dục tôn.
Tự tâm qui y Tịnh, tất cả cảnh giới trần lao ái dục, tự tánh đều không nhiễm trước gọi là Chúng trung tôn.
Qui y Tịnh tức là trở về tâm thanh tịnh của mình, thì tất cả các trần lao, ái nhiễm v.v… ngay tự tánh mình đều không nhiễm trước, gọi đó là Chúng trung tôn. Như vậy Tổ đều qui hướng Phật, Pháp, Tăng trở về tự tâm mình.
Nếu tu hạnh nầy, ấy là tự qui y. Phàm phu không hiểu, từ sáng đến tối, thọ tam qui giới, nếu nói qui y Phật, Phật ở chỗ nào? Nếu chẳng thấy Phật thì nương vào chỗ nào mà qui, nói lại thành vọng.
Tổ giải thích, như chúng ta phát nguyện trước Tam Bảo: Qui y Phật, thử hỏi Phật ở đâu ? Nếu nói Phật trên bàn thờ thì Phật có nói câu nào mà nương với Ngài được ? Còn nếu nói Phật ở Ấn Độ thì Ngài đã tịch hơn hai ngàn năm trăm năm rồi. Như nói qui y là nương về, nương về với hình tượng không biết nói năng, hay nương về với Phật xa xưa đã mất từ lâu rồi, đó là nương về cái rỗng. Cho nên Tổ bảo nương về tánh giác của mình, đó là qui y Phật. Tánh giác nơi mình mới là thật, mới là chỗ để trở về. Nếu chúng ta không đạt được lý nầy, thành ra nói rỗng, không có lẽ thật.
Qui y Pháp, pháp tức là Chánh, đây là chánh kiến, hằng thấy được điều tà ngoại không theo, đó là qui y Pháp. Qui y Tăng, tăng tức là Tịnh, đó là tâm thanh tịnh của mình. Như vậy Tổ muốn dạy chúng ta xoay trở về tự tâm thanh tịnh của mình, có đầy đủ Tam Bảo, đó mới là qui y chân thật, đó mới là chỗ qui hướng đạt đạo; còn nếu chúng ta cứ hướng về bên ngoài khơi khơi như vậy, thì biết đến bao giờ đạt đạo ! Đó là điều căn bản cần phải hiểu. Cho nên trong mỗi thời khóa tụng kinh đều có hai đợt lạy Tam Bảo: Phần đầu sau khi tán dương Phật rồi, chúng ta lạy ba lạy là lạy Tam Bảo ở ngoài, tức là Tam Bảo mười phương đã có công giáo hóa chúng ta. Đến phần cuối khi chấm dứt thời kinh, chúng ta lạy ba lạy: Tự qui y Phật, tự qui y Pháp, tự qui y Tăng, là lạy Phật, Pháp, Tăng của mình. Đức Phật xa xưa là bậc trưởng thượng chúng ta lạy là phải, nhưng vì sao mình lạy mình ? Tự qui y là:
“Tự qui y Phật, đương nguyện chúng sanh, thể giải đại đạo, phát vô thượng tâm.” Chúng tôi giải thích ý nghĩa của buổi lễ. Tự qui y Phật là trở về nương tựa ông Phật của mình, tức là tánh giác. Đương nguyện chúng sanh là nguyện cho tất cả chúng sanh. Thể giải đại đạo là thể nhập và hiểu thấu đạo lớn. Phát vô thượng tâm là phát tâm vô thượng. Phần trước chúng ta lạy Tam Bảo ở ngoài là vì lòng thành kính và ngưỡng mộ, còn ở đây mình lạy với tánh cách thệ nguyện, mình biết trở về Phật của mình, rồi nguyện cho tất cả chúng sanh đều hiểu được đạo lớn và phát tâm vô thượng. Vì biết trở về ông Phật của mình, mà chúng sanh chưa biết, nên mình lạy nguyện với Tam Bảo cho tất cả chúng sanh sẽ được như con, tức là trở về Phật của mình, hiểu được đại đạo và phát tâm vô thượng như con vậy.
“Tự qui y Pháp, đương nguyện chúng sanh thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như hải”. Tức là mình biết trở về với Pháp của nội tâm mình là chánh kiến, nhưng nhớ đến chúng sanh chưa biết điều đó, nên mình nguyện tất cả chúng sanh đều thâm nhập được kinh tạng, vào trí tuệ rộng như biển cả.
“Tự qui y Tăng, đương nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng nhất thiết vô ngại.” Khi biết trở về với vị Tăng của mình, tức là tâm thanh tịnh của mình, chúng ta nguyện tất cả chúng sanh thốâng lý đại chúng tức là quản lý tất cả chúng, mà không có chướng ngại. Thường trong nhà Phật nói rằng chúng ta tu làm lợi ích cho mình cho người thì dễ, nhưng nhiếp chúng là cả một vấn đề. Nhiếp chúng tức là coi chúng để dạy họ sống hòa thuận an vui không bị phiền não rắc rối, đó là một chuyện hết sức khó. Cho nên nguyện tất cả chúng sanh quản lý hết chúng mà không có chướng ngại.
Như vậy mỗi khi lễ Phật rồi, chúng ta đều trở về Tam Bảo của tự tâm, và không quên nghĩ đến chúng sanh nên nguyện cho tất cả đều được ba điều lớn lao đó. Mỗi một lần tự qui y rồi, chúng ta lạy Phật một lạy để thệ nguyện của mình được thực hiện. Biết được ý nghĩa tự qui y là trở về qui hướng với Tam Bảo nơi mình, đó mới là nghĩa chân thật vậy.
Này Thiện tri thức, mỗi người tự quan sát, chớ lầm dụng tâm, kinh văn rõ ràng nói tự qui y Phật, chẳng nói qui y với Phật khác, tự Phật mà chẳng qui thì không có chỗ nào mà y được.
Tức là ông Phật của mình mà mình không chịu trở về, thì không còn chỗ nào để mình nương được.
Nay đã tự ngộ, mỗi người phải qui y tự tâm Tam Bảo, trong thì điều hòa tâm tánh, ngoài thì cung kính mọi người, ấy là tự qui y vậy.
Này Thiện tri thức, đã qui y tự Tam Bảo xong, mỗi người phải chí tâm, tôi vì nói một thể ba thân tự tánh Phật, khiến các ông thấy được ba thân rõ ràng tự ngộ tự tánh.
Sau phần tự qui y Tam Bảo, Tổ nói về một thể ba thân tự tánh Phật. Ba thân là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân, ba thân nầy là tự tánh Phật của chính mình, đều là tự tánh mình có sẵn, chớ không đâu khác.
Phải nói theo tôi: Nơi tự sắc thân qui y Thanh tịnh Pháp thân Phật, nơi tự sắc thân qui y Viên mãn Báo thân Phật, nơi tự sắc thân qui y Thiên bá ức Hóa thân Phật.
Này Thiện tri thức, sắc thân là nhà cửa không thể nói qui hướng.
Nghĩa là sắc thân mình mang đây là nhà cửa để mình tạm trú, chớ không phải là chỗ để mình qui y, nay mai nó tan rã, làm sao nương tựa nó được.
Ba thân Phật ở trong tự tánh người đời thảy đều có, vì tự tâm mê không thấy tánh ở trong nên chạy ra ngoài tìm ba thân Như Lai, chẳng thấy ở trong thân có ba thân Phật. Các ông lắng nghe tôi nói khiến các ông ở trong tự thân thấy được tự tánh có ba thân Phật. Ba thân Phật này từ nơi tự tánh sanh, chẳng phải từ ngoài mà được.
Sao gọi là Thanh tịnh Pháp thân Phật ? Người đời bản tánh là thanh tịnh, muôn pháp từ nơi tánh mà sanh, suy nghĩ tất cả việc ác tức sanh hạnh ác, suy nghĩ tất cả việc lành tức sanh hạnh lành. Như thế các pháp ở trong tự tánh như trời thường trong, mặt trời mặt trăng thường sáng, vì mây che phủ nên ở trên sáng, ở dưới tối, chợt gặp gió thổi mây tan, trên dưới đều sáng, vạn tượng đều hiện. Tánh của người đời thường phù du như là mây trên trời kia. Này Thiện tri thức, trí như mặt trời, tuệ như mặt trăng, trí tuệ thường sáng, do bên ngoài chấp cảnh nên bị mây nổi vọng niệm che phủ tự tánh không được sáng suốt. Nếu gặp Thiện tri thức, nghe được pháp chân chánh, tự trừ mê vọng, trong ngoài đều sáng suốt, nơi tự tánh muôn pháp đều hiện. Người thấy tánh cũng lại như thế, ấy gọi là Thanh tịnh Pháp thân Phật.
Trong đoạn văn trên Tổ giải thích mỗi người chúng ta ai cũng có đủ ba thân Phật: Thanh tịnh Pháp thân Phật, Viên mãn Báo thân Phật, Thiên bá ức Hóa thân Phật. Thanh tịnh Pháp thân Phật là gì ? Là chỉ cho mỗi người chúng ta đều có sẵn bản tánh thanh tịnh, từ bản tánh đó dấy niệm nghĩ lành thì làm lành, dấy niệm nghĩ dữ thì làm dữ. Tỉ dụ như có mấy đứa bé chừng năm, ba tuổi xuống biển tắm, thấy sóng nó hỏi: Sóng tại sao mà có, hay sóng từ đâu có ? Người lớn liền trả lời: Sóng từ nước mà có. Rõ ràng sóng từ dưới nước dấy lên, nếu không có nước làm gì có sóng được. Nhưng khi nước dấy lên thành sóng rồi, thì thể lặng của nước không còn. Cũng như vậy, niệm thiện niệm ác từ đâu dấy lên ? Rõ ràng là từ tự tánh thanh tịnh dấy lên, nếu không có tánh thanh tịnh sẵn thì niệm thiện niệm ác đâu dấy được. Nhưng mình chỉ nhớ niệm thiện niệm ác mà quên đi tự tánh thanh tịnh, đó là điều quan trọng của sự tu hành. Bởi có tánh thanh tịnh nên mới dấy niệm thiện niệm ác, dấy niệm thiện rồi làm thiện, dấy niệm ác rồi làm ác. Cho nên người biết nghĩ thiện, biết nghĩ ác, biết nghĩ điều nầy, việc kia v.v… gốc là từ tự tánh sẵn có. Tổ bảo rằng nếu không có tánh thì người đó chết mất rồi. Khi niệm dấy lên, chúng ta mải chạy theo niệm mà quên mất tự tánh, nên Tổ dùng ví dụ sau đây hết sức rõ ràng: Như mặt trời mặt trăng trong bầu trời trong chiếu sáng, ánh sáng bủa cùng khắp, chợt có mây kéo đến che phủ mịt mù, nên ở trên sáng ở dưới tối. Khi gió thổi mây tan thì trên dưới đều sáng tỏ. Bầu trời xanh trong là tỉ dụ cho tự tánh, do tự tánh trong sạch nên trí tuệ mới hiện, mặt trời là trí, mặt trăng là tuệ. Khi bị mây che phủ thì bầu trời tối lại, khi mây tan thì ánh sáng mặt trời mặt trăng bủa cùng khắp. Cũng như vậy, tựï tâm chúng ta thanh tịnh, khi vọng niệm vừa dấy khởi thì trí tuệ bị mờ tối, nếu niệm lặng xuống thì trí tuệ sáng ngời. Như vậy muốn cho trí tuệ sáng thì đám mây vọng niệm phải tan. Nếu không hiểu điều nầy, tu hành mà lo luyện phép v.v… làm sao trí tuệ phát hiện được. Khi tất cả mây mù vọng tưởng tan rồi thì tự tánh Thanh tịnh Pháp thân hiện.
Này Thiện tri thức, tự tâm qui y tự tánh là qui y chân Phật. Tự qui y là trừ bỏ trong tự tánh tâm bất thiện, tâm tật đố, tâm siểm khúc, tâm ngô ngã, tâm cuống vọng, tâm khinh người, tâm lấn người, tâm tà kiến, tâm cống cao và hạnh bất thiện trong tất cả thời, thường tự thấy lỗi mình, chẳng nói tốt xấu của người khác, ấy là tự qui y. Thường tự hạ tâm, khắp hành cung kính tức là thấy tánh thông đạt lại không bị ngăn trệ, ấy là tự qui y.
Tự qui y là tự tâm mình trở về với tự tánh mình, đó gọi là qui y chân Phật. Tự qui y là trừ hết trong tâm mình những điều bất thiện như là tâm tật đố, tâm siểm khúc, tâm ngô ngã, tâm cuống vọng, tâm khinh người, tâm mạn người, tâm tà kiến, tâm cống cao, những tâm ác trong tất cả thời mình phải trừ sạch hết. Tổ lại dạy: Thường tự thấy lỗi mình, không nói lỗi xấu của người khác, đó gọi là tự qui y. Rồi phải tập thường hạ tâm mình và cung kính người khác, để thấy được bản tánh, lại không bị ngăn trệ, ấy là tự qui y. Ở chỗ nầy nên hiểu, người thấy tánh khác hơn người không thấy tánh, người không thấy tánh mà tu, càng tu càng tự cao tự đại tự mãn; còn người thấy tánh càng tu lại càng thấp mình, càng khiêm hạ, vì sao ? Bởi vì càng tu càng thấy vô ngã, mà vô ngã thì cái gì cao ? Người không thấy tánh tu một lúc thấy mình được nhiều công đức, mình có những phép lạ, mình có thần thông, thấy những điềm tốt, các người khác chưa được, do đó nên sanh tâm khinh người mà tự cao. Ngược lại người thấy tánh mà tu thì biết thân này, tâm này là hư giả, bởi biết hư giả nên càng tu càng hạ thấp nó xuống, càng mất nó chớ không cao nó được, cao nó tức là ngã mạn, là tướng của si mê, mà si mê thì bao giờ giác được. Hiểu đúng như vậy, mới thấy lời Tổ nói là chân lý. Người tu thường phải thấp tâm xuống, cung kính người khác, thấy tánh thông suốt, không có ngăn trệ, ấy là tự qui y.
Sao gọi là Viên mãn Báo thân Phật ? Thí như một ngọn đèn hay trừ ngàn năm tối, một trí tuệ hay diệt muôn năm ngu.
Điều này có tin được không ? Tỉ dụ như cái nhà tối mịt một ngàn năm, bây giờ muốn nó sáng lại thì phải bao lâu ? Chỉ cần thắp ngọn đèn đem vào nhà thì sáng ngay, cái tối ngàn năm phút chốc liền mất. Hiện nay chúng ta tu cũng vậy, một phen trí tuệ sáng rồi thì cái ngu của muôn năm cũng mất. Như khi tất cả chúng ta chưa được duyên học đạo thì đối với thân này, đối với vọng tưởng này thấy là thật mình. Nhưng khi học đạo rồi, có thể nghe Phật, Tổ nói một câu hai câu, chúng ta thấy rõ thân này và vọng tưởng không phải là thậät mình. Khi thấy rõ như vậy tức nhiên cái ngu ngàn đời tự nó mất. Còn nếu không mất luôn thì lâu lâu cái ngu tái lại, mình lại nhận thấy sự thật nữa, mãi rồi cái ngu cũng phải tan. Như vậy chúng ta thấy rằng ngọn đèn trí tuệ một phen thắp lên thì cái ngu không bao giờ còn được. Cho nên nói khi trí tuệ phát ra hay diệt được muôn năm ngu là như vậy.
Chớ suy nghĩ về trước, đã qua không thể được. Thường phải nghĩ về sau, mỗi niệm mỗi niệm tròn sáng, tự thấy bản tánh.
Ở đây Tổ dạy chúng ta đừng suy nghĩ những lỗi về trước. Giả sử khi trước chúng ta có làm những điều gì sai lầm, nay đã biết lỗi sám hối rồi thôi, không nên nhớ mãi các lỗi đã qua rồi buồn tủi tu hành không được. Những lỗi gì qua rồi thì thành tâm sám hối, nguyện từ nay về sau chừa bỏ, không tái phạm, sám hối xong là thôi, nếu còn hối hận mãi đó là chướng đạo. Cho nên Tổ bảo chúng ta thường phải nghĩ về sau, trong mỗi niệm tròn sáng, tự thấy bản tánh.
Thiện ác tuy là khác mà bản tánh không có hai, tánh không hai đó gọi là tánh thật.
Niệm thiện niệm ác tuy là hai niệm khác nhau, nhưng trên bản tánh nó không có hai, tánh không hai đó gọi là tánh thật. Tỉ dụ như khi ngồi tu, niệm niệm dấy khởi, hoặc là niệm lành, hoặc là niệm dữ. Nhưng khi niệm lành hoặc dữ lặng xuống rồi, thì cái hằng biết đó là lành hay dữ ? Cái hằng biết trong tâm mình nghĩa là hằng biết lúc có niệm, lúc không niệm, cái hằng biết ấy thuộc về lành hay dữ ? – Nó không có lành dữ. Cho nên khi dấy niệm, thì niệm niệm khác nhau, có lành có dữ, khi niệm lặng xuống, chỉ có cái liễu tri thường hằng không có lành dữ, nên nói tánh không hai mới là tánh thật, còn niệm lành hay dữ không phải là cái thật. Tổ chỉ dạy rõ như ban ngày không có gì phải nghi ngờ nữa. Dấy niệm lên thì có thiện ác là thuộc về hai, mà hai thì không thật; niệm thiện hoặc ác lặng xuống trở về bản tánh, thì bản tánh là không hai, mà không hai mới là tánh chân thật, thật quá rõ ràng. Thế nên chúng ta muốn sống với tánh chân thật là phải dừng niệm thiện và ác, nếu không hiểu lý này chúng ta sẽ thắc mắc, bỏ niệm ác thì được, vì sao lại bỏ niệm thiện ? Bởi vì thiện là đối với ác, những niệm đó còn dấy lên là sanh diệt, lặng những cái sanh diệt ấy mới là chân thật, cái chân thật ở ngay nơi đó, không đâu xa. Vì thế nói bản tánh thì không hai, tánh không hai đó gọi là thật tánh.
Ở trong thật tánh không nhiễm thiện ác, đây gọi là Viên mãn Báo thân Phật.
Nghĩa là trong tánh thật không có nhiễm thiện ác, đó là Viên mãn Báo thân Phật. Như vậy tìm đâu thấy Phật ? Chỉ có lặng hai niệm thiện ác thì Viên mãn Báo thân Phật hiện tròn đầy, cho nên nói viên là tròn, mãn là đầy, Báo thân Phật là tròn đầy. Niệm dấy lên là tướng sanh diệt, thiên lệch, hoặc là thiện hoặc là ác, hai cái thiên lệch đó lặng xuống chỉ còn một tánh giác tròn đầy, đó là Viên mãn Báo thân Phật. Vì vậy ngay nơi mỗi người đều có Báo thân Phật, vì chúng ta không lặng được niệm thiện ác cho nên không nhận được, nếu lặng được niệm thiện ác thì ngay nơi tâm mình đã đầy đủ Báo thân Phật.
Tự tánh khởi một niệm ác thì diệt muôn kiếp nhân lành, tự tánh khởi một niệm thiện thì được hằng sa ác hết, thẳng đến Vô thượng Bồ-đề, niệm niệm tự thấy chẳng mất bản niệm gọi là Báo thân.
Tự tánh khởi một niệm ác thì diệt muôn kiếp nhân lành, tự tánh khởi một niệm thiện thì cái ác dù nhiều như số cát sông Hằng cũng đều hết sạch. Những niệm dấy lên nhưng mình không mất bản niệm, tức là không mất bản tánh hằng tri, đó gọi là Báo thân. Nói tóm lại, Báo thân Phật là gì ? Là do hai niệm thiện ác lặng xuống, chỉ còn một tánh giác thanh tịnh tròn đầy, đó là Báo thân Phật.
Sao gọi là Thiên bá ức Hóa thân Phật ? Nếu chẳng nghĩ muôn pháp thì tánh vốn như không, một niệm suy nghĩ gọi là biến hóa. Suy nghĩ việc ác là hóa làm địa ngục, suy nghĩ việc thiện thì hóa làm thiên đường, độc hại thì hóa làm rồng rắn, từ bi thì hóa làm Bồ-tát, trí tuệ thì hóa làm thượng giới, ngu si thì hóa làm hạ giới. Tự tánh biến hóa rất là nhiều, người mê không hay tỉnh giác, mỗi niệm khởi ác thường đi trong con đường ác, xoay về một niệm thiện, trí tuệ liền sanh, đây gọi là tự tánh Hóa thân Phật.
Nếu mình không khởi duyên với muôn pháp thì tánh mình lặng lẽ như hư không, không có tướng mạo, dấy niệm suy nghĩ liền biến hóa. Trăm ngàn muôn ức niệm ác mình biết xoay trở về thiện tức là trở về với tự tánh mình, đó là Hóa thân Phật. Dấy niệm ác bị dẫn đi trong lục đạo, niệm lành thì dẫn đi đến các cõi lành. Nếu xoay ngàn muôn ức niệm trở về tự tánh, tức là chuyển cái biến hóa trở về cái thật, gọi đó là Hóa thân Phật.
Như vậy Tổ chỉ cho chúng ta thấy rõ ba thân Phật:
– Pháp thân là tánh thanh tịnh của mình.
– Báo thân là do lặng được hai niệm thiện ác, chỉ còn cái liễu tri thường hằng.
– Hóa thân tức là xoay tất cả niệm ác trở về tự tánh.
Này Thiện tri thức, từ Pháp thân suy nghĩ tức là Hóa thân Phật, niệm niệm tự tánh tự kiến tức là Báo thân Phật, tự ngộ tự tu, tự tánh công đức, ấy là chân thật qui y. Da thịt
là sắc thân, sắc thân đó là nhà cửa, không nói là qui y vậy. Chỉ ngộ tự tánh ba thân tức là biết được tự tánh Phật.
Nếu căn cứ trên Pháp thân dấy niệm đó là Hóa thân Phật, mỗi niệm mình đều thấy rõ tự tánh của mình, đó là Báo thân Phật. Chúng ta nói tự qui y nghĩa là trở về với Pháp thân, Báo thân, Hóa thân Phật của tự tâm, chớ không phải trở về với thân xác thịt hôi thúi này, thân xác thịt này chỉ là nhà cửa che đậy bên ngoài không phải là thật. Nếu chúng ta ngộ được tự tánh mình có đủ ba thân Phật tức là biết được tự tánh Phật. Để kết thúc Tổ bảo:
Tôi có một bài tụng Vô Tướng, nếu người hay trì tụng, ngay nơi lời nói liền khiến cho ông, tội mê từ nhiều kiếp, một lúc liền tiêu diệt. Tụng rằng:
Mê nhân tu phước bất tu đạo, Chỉ ngôn tu phước tiện thị đạo,
Bố thí cúng dường phước vô biên, Tâm trung tam ác nguyên lai tạo.
Tổ nhắc các cư sĩ tu hành: Người mê chỉ biết tu phước mà chẳng tu đạo, nghĩa là người mê chỉ biết làm phước bên ngoài, mà không biết buông xả các điên đảo vọng tưởng để trở về tâm thể chân thật. Chỉ nói tu phước liền là đạo, chỉ nói chúng tôi làm phước, đó là hợp với đạo rồi, đó là tu rồi. Tổ mới giải thích tiếp: Nếu phát tâm bố thí cho kẻ nghèo, người đói, biết phát tâm cúng dường chư Tăng, chư Ni, đó là có phước nhiều lắm chớ không phải là không, nhưng trong tâm ba ác xưa nay cứ tạo, tức là ba ác tham sân si trong tâm chúng ta còn hoài. Biết bố thí, biết cúng dường thì có phước thật, nhưng chưa hết ba độc. Trong hàng Phật tử chúng ta có nhiều người biết bố thí, biết cúng dường mà ba độc vẫn còn nguyên. Muốn hết ba độc tức phải hướng về tâm buông xả mới hết, không phải tu phước cúng dường là hết ba độc. Nếu ba độc không hết thì làm sao thoát ly sanh tử, vì vậy nên nói tu phước không phải là đạo. Ai muốn hưởng phước thì tu hạnh bố thí cúng dường, đó là phước vô biên, đâu phải không có phước. Nhiều người không hiểu, khi nghe Tổ dạy phải quay về tự tánh thì nói: Như vậy tôi tu phước cúng dường không có phước sao ? Phước thì vẫn có, nhưng tham sân si thì không hết.
Nghĩ tương tu phước dục diệt tội, Hậu thế đắc phước tội hoàn tại,
Đãn hướng tâm trung trừ tội duyên, Các tự tánh trung chân sám hối.
Các người tu cứ nghĩ rằng mình tu phước bố thí cúng dường là để hết tội, nhưng thật có hết tội chăng ? Cho nên Tổ dạy tiếp: Tu phước thì đời sau được phước, nhưng nếu làm tội thì tội vẫn còn, tại sao vậy ? Vì mình làm phước là tạo nhân phước, thì thọ quả phước, nhưng ba độc vẫn còn nguyên. Vì vậy có khi làm phước mà vẫn sân, có khi làm phước mà vẫn có niệm bất bình v.v… cho nên tội vẫn còn. Nhà Phật thường gọi thân chúng ta hiện tại là thân tổng báo, tổng báo tức là cái quả báo chung trong đó có lành có dữ, có thiện có ác v.v… người làm lành nhiều thì hiện ra nhiều tướng tốt gặp nhiều phước duyên, người làm lành ít thì thiếu tướng tốt, và cũng ít gặp phước duyên, nhưng cũng có một chút phước nên được sanh làm người. Vì vậy nhiều người có phước thật nhiều, được sanh trong những gia đình đầy đủ sung sướng, nhưng trái lại họ mang thân tật nguyền, vì sao ? Vì trong khi làm phước họ vẫn có làm tội, cho nên làm phước thì hưởng phước, tạo tội thì đền tội, thân tổng báo của chúng ta là như vậy. Chúng ta có thể trong nhiều đời, làm phước nhiều nên gặp được những điều tốt, điều thiện phù hợp với sở nguyện của mình, nhưng lâu lâu cũng vẫn có xảy ra tai nạn hay có những điều bất như ý, đó là vì từ đời trước đã tích lũy nhiều tội, nên bây giờ gặp duyên thì phải trả quả, chớ không có gì lạ. Hiểu như vậy chúng ta không còn hoang mang trước những sự việc xảy ra trong cuộc đời mình.
Chỉ hướng trong tâm trừ tội duyên, đó mới là chân sám hối. Chúng ta phải nhìn thẳng trong tâm mình trừ những tội duyên như là tâm tật đố, tâm bất thiện, tâm siểm khúc, tâm ngô ngã, tâm hư dối, tâm cuống vọng, tâm khinh người, tâm mạn người, tâm tà kiến v.v… cứ ngay trong tâm mình dẹp sạch những tâm niệm đó, vì đó là duyên để tạo tội, nếu chúng ta không nhằm vào đó để dẹp nó, thì làm sao hết tội được ? Chúng ta chỉ biết tu phước làm lành bên ngoài, thì không bao giờ đời mình được trọn vẹn an lành. Muốn được an lành, chúng ta phải nhắm thẳng trong tâm mình, dẹp sạch các duyên tạo tội thì đời sau mới được hết tội. Lục Tổ đã chỉ cho người tu chúng ta rõ ràng như vậy.
Hốt ngộ Đại thừa chân sám hối, Trừ tà hành chánh tức vô tội, Học đạo thường ư tự tánh quán,
Tức dữ chư Phật đồng nhất loại.
Chợt gặp pháp sám hối chân thật của Đại thừa, biết trừ những tâm tà, hành những tâm chánh, đó mới là không tội. Người học đạo thường ở trong tự tánh mình mà quán sát, tức cùng với chư Phật đồng một loại không khác. Nhìn lại mình để quán sát tự tánh mình, bỏ những lỗi lầm, dứt các tội duyên để trở về sống với tự tánh, thì mình với Phật không hai không khác. Nếu nhắm ra ngoài làm việc thì sẽ cùng với chư Phật khác xa. Đó là Tổ đã chỉ thẳng pháp sám hối của Đại thừa, và đúng với hạnh của chư Phật.
Ngô Tổ duy truyền thử đốn pháp, Phổ nguyện kiến tánh đồng nhất thể,
Nhược dục đương lai mích Pháp thân, Ly chư pháp tướng tâm trung tẩy.
Tổ của tôi chỉ truyền pháp đốn giáo này, khắp nguyện người thấy tánh đồng một thể. Nếu muốn đời sau tìm thấy được Pháp thân, tức phải lìa các tướng ở trong tâm, rửa sạch bóng dáng của sáu trần ngay trong tâm mình. Cho nên người tu diệt vọng là rửa sạch trong tâm mình những niệm tưởng nhớ đến người đến cảnh, đó là bóng dáng của pháp trần rơi vào tâm thức cần phải tẩy trừ, mới thấy được Pháp thân.
Nỗ lực tự kiến mạc du du,
Hậu niệm hốt tuyệt nhất thế hưu, Nhược ngộ Đại thừa, đắc kiến tánh, Kiền cung hiệp chưởng chí tâm cầu.
Trong các câu kệ chót của bài tụng, Tổ khuyên chúng ta phải nỗ lực tự thấy chớ có lơ là, du du là lơ là; nỗ lực để tự thấy bản tánh mình, tự biết những niệm mà buông bỏ. Một niệm dứt là chỉ cho hơi thở cuối cùng vừa thở khì ra mà không hít lại, thì một đời buông tay. Vì vậy Tổ bảo chúng ta phải nỗ lực tiến tu, chớ có lơ là, chớ có chần chờ, nếu một phen thở ra mà không hít vào thì một đời buông xuôi. Nếu gặp những hàng Đại thừa được thấy tánh, phải thành tâm cung kính, hay là cung kính chấp tay, chí tâm cầu pháp Đại thừa, chớ có lôi thôi khinh thường, bởi vì người học đạo mà không được Thiện tri thức chỉ dẫn thì một đời tu học cũng khó mà đến đâu.
Tổ nói: “Này Thiện tri thức, phải tụng lấy, y đây tu hành, ngay nơi lời nói mà thấy tánh, tuy cách tôi ngàn dặm như thường ở bên cạnh tôi; nơi lời nói này mà chẳng ngộ tức
là đối diện với tôi mà cách xa ngàn dặm, đâu cần từ xa đến đây. Trân trọng đi được an vui.”
Cả chúng nghe pháp rồi không ai mà chẳng khai ngộ, đều hoan hỉ phụng hành. Tóm tắt lại, phẩm Sám Hối này gồm phần văn xuôi trong đó Tổ dạy Ngũ phần
Pháp thân hương v.v… và phần kết thúc là bài tụng Vô tướng văn vần, dễ hiểu, dễ nhớ, y đó mà tu mới là cái tu chân thật. Tổ dạy rõ ràng tu là phải hướng về mình, không nên chạy ra ngoài, vì tu bên ngoài không bao giờ hết nghiệp được. Cho nên mỗi buổi tụng kinh chúng ta đều có tự qui y, tự qui y là trở về với mình, tức là trở về ba thân Phật: Pháp thân, Báo thân, Hóa thân nơi mình sẵn có. Tự qui y Phật là trở về với Phật của mình, tự qui y Pháp là trở về với Pháp của mình, tựï qui y Tăng là trở về với Tăng của mình. Nơi mình có đủ ba thân Phật, nơi mình có đủ Tam Bảo, mình phải hướng về đó, nghĩa là phải bỏ hết những niệm xấu như ngã mạn, cống cao, lừa dối, ác độc v.v… bỏ cho hết sạch những niệm đó, là biết tự qui y. Bản tánh thanh tịnh sẵn có gọi là Pháp thân Phật. Buông cả hai niệm thiện ác để thấy Báo thân Phật, rồi xoay các niệm trở về tự tánh đó là Hóa thân Phật, tức là chuyển hóa thân trở về thành Phật. Nói tóm lại tự qui y không phải là tự qui y với thân xác thịt này, mai mốt nó rã rồi còn đâu ! Tự qui y là trở về tự tánh thanh tịnh là Pháp thân, trở về nơi tự tánh tròn đầy không có hai niệm là Báo thân, trở về tự tánh mình bằng xoay mọi niệm về nơi tự tánh đó là Hóa thân Phật.