Kinh - KệKinh Sách

Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết

✍️ Mục lục: Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết hay cũng gọi  Kinh Bất Khả Tư Nghì Giải Thoát

VII. PHẨM QUÁN CHÚNG SANH (1)

Lúc bấy giờ Ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi ông Duy Ma Cật rằng :
– Bồ Tát quán sát chúng sanh phải thế nào ?

Ông Duy Ma Cật đáp :
– Ví như nhà huyễn thuật thấy người huyễn của mình hóa ra, Bồ Tát quán sát chúng sanh cũng như thế. Như người trí thấy trăng dưới nước, thấy mặt trong gương, như ánh nắng dợn, như vang của tiếng, như mây giữa hư không, như bọt nước, như bóng nổi, như cây chuối bền chắc, như chớp dừng lâu, như đại thứ năm (2), như ấm thứ sáu (3), như tình (căn) thứ bảy (4), như nhập thứ mười ba (5), như giới thứ mười chín (6). Bồ Tát quán sát chúng sanh cũng như thế. Như sắc chất cõi vô sắc (7), như mộng lúa hư, như thân kiến của Tu đà hoàn (8), như sự nhập thai của A na hàm (9), như tam độc của A la hán (10), như tham giận phá giới của Bồ Tát chứng vô sanh nhãn, như tập khí phiền não của Phật, như người mù thấy sắc tượng, như hơi thở ra vào của người nhập diệt tận định (11), như dấu chim giữa hư không, như con của đàn bà không sanh đẻ (Thạch nữ) (12), như phiền não của người huyễn hóa, như cảnh chiêm bao khi đã thức, như người diệt độ thọ lấy thân, như lửa không khói. Bồ Tát quán sát chúng sanh cũng như thế đó.

Ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi :
– Nếu Bồ Tát quán sát như thế phải thật hành lòng từ thế nào ?

Ông Duy Ma Cật đáp rằng :
– Bồ Tát quán sát như thế rồi phải tự nghĩ rằng : “Ta phải vì chúng sanh nói pháp như trên, đó là lòng từ chân thật. Thật hành lòng từ tịch diệt, bởi vì không sanh. Thật hành lòng từ không nóng bức, bởi không có phiền não. Thật hành lòng từ bình đẳng, bởi ba đời như nhau. Thật hành lòng từ không đua tranh, bởi không có khởi. Thật hành lòng từ không hai, bởi trong ngoài (căn trần) không hiệp. Thật hành lòng từ không hoại, bởi hoàn toàn không còn. Thật hành lòng từ kiên cố, bởi lòng không hủy hoại. Thật hành lòng từ thanh tịnh, bởi tánh các pháp trong sạch. Thật hành lòng từ vô biên, vì như hư không. Thật hành lòng từ A la hán, vì phá các giặc kiết sử (13). Thật hành lòng từ Bồ Tát, vì an vui chúng sanh. Thật hành lòng từ Như Lai, vì đặng tướng như như. Thật hành lòng từ của Phật, vì giác ngộ chúng sanh. Thật hành lòng từ tự nhiên, vì không nhơn đâu mà đặng. Thật hành lòng từ Bồ Đề, chỉ có một vị. Thật hành lòng từ vô đẳng (không chi sánh bằng), vì đoạn các ái kiến. Thật hành lòng từ đại bi, dẫn dạy cho pháp Đại thừa. Thật hành lòng từ không nhàm mỏi, quán không, vô ngã. Thật hành lòng từ pháp thí, không có luyến tiếc. Thật hành lòng từ trì giới, để hóa độ người phá giới. Thật hành lòng từ nhẫn nhục, để ủng hộ người và mình. Thật hành lòng từ tinh tấn, để gánh vác chúng sanh. Thật hành lòng từ thiền định, không thọ mùi thiền. Thật hành lòng từ trí tuệ, đều biết đúng nhịp. Thật hành lòng từ phương tiện, thị hiện tất cả. Thật hành lòng từ không ẩn dấu, lòng ngay trong sạch. Thật hành lòng từ thâm tâm, không có hạnh xen tạp. Thật hành lòng từ không phỉnh dối, không có lừa gạt. Thật hành lòng từ an vui, làm cho tất cả được sự an vui của Phật. Lòng từ của Bồ Tát là như thế đó.

Ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi :
– Sao gọi là lòng bi ?
– Bồ Tát làm công đức gì cốt để cho chúng sanh.
– Sao gọi là lòng hỷ ?
– Có lợi ích đều hoan hỷ, không hối hận.
– Sao gọi là lòng xả ?
– Những phước báu đã làm, không có lòng hy vọng.

Ngài Văn Thù Sư Lợi lại hỏi :
– Sự sanh tử đáng sợ, Bồ Tát phải y nơi đâu ?

Ông Duy Ma Cật đáp :
– Bồ Tát ở trong sanh tử đáng sợ đó, phải y nơi sức công đức của Như Lai.

Ngài Văn Thù Sư Lợi lại hỏi :
– Bồ Tát muốn y sức công đức của Như Lai, phải trụ nơi đâu ?
– Bồ Tát muốn y sức công đức của Như Lai, phải trụ nơi chỗ độ thoát tất cả chúng sanh.

Lại hỏi :
– Muốn độ chúng sanh phải trừ những gì ?
– Muốn độ chúng sanh phải trừ phiền não.
– Muốn trừ phiền não phải thật hành những gì ?
– Phải thật hành chánh niệm.
– Thế nào là thật hành chánh niệm ?
– Phải thật hành pháp không sanh không diệt.
– Pháp gì không sanh, pháp gì không diệt ?
– Pháp bất thiện không sanh, pháp thiện không diệt.
– Pháp thiện và pháp bất thiện lấy gì làm gốc ?
– Thân là gốc.
– Thân lấy gì làm gốc ?
– Tham dục là gốc.
– Tham dục lấy gì làm gốc ?
– Hư vọng phân biệt là gốc.
– Hư vọng phân biệt lấy gì làm gốc ?
– Tưởng điên đảo là gốc.
– Tưởng điên đảo lấy gì làm gốc ?
– Không trụ (14) là gốc.
– Không trụ lấy gì làm gốc ?
– Không trụ thì không gốc.
Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi, ở nơi “gốc không trụ mà lập tất cả pháp”.

Bấy giờ trong nhà ông Duy Ma Cật có một Thiên nữ thấy các vị trời, người đến nghe pháp, liền hiện thân ra tung rải hoa trời trên mình các vị Bồ Tát và Đại đệ tử. Khi hoa đến mình các vị Bồ Tát đều rơi hết, đến các vị Đại đệ tử đều mắc lại. Các vị Đại đệ tử dùng hết thần lực phủi hoa mà hoa cũng không rớt.

Lúc ấy, Thiên nữ hỏi Ngài Xá Lợi Phất :
– Tự sao mà phủi hoa ?

Xá Lợi Phất nói :
– Hoa này không như pháp nên phủi.

– Chớ bảo hoa này là không như pháp. Vì sao ? Hoa này nó không có phân biệt, tự Nhân giả phân biệt đó thôi ! Nếu người xuất gia ở trong Phật pháp có phân biệt là không như pháp, nếu không phân biệt là như pháp. Đấy, xem các vị Bồ Tát, hoa có dính đâu ? Vì đã đoạn hết tưởng phân biệt. Ví như người lúc hồi hộp sợ, thời phi nhơn mới thừa cơ hại đặng. Như thế, các vị Đại đệ tử vì sợ sanh tử nên sắc thinh, hương, vị, xúc mới thừa cơ được, còn người đã lìa được sự sợ sệt thì tất cả năm món dục không làm chi đặng. Do tập khí kiết sử chưa dứt hết nên hoa mới mắc nơi thân thôi, còn người kiết tập (15) hết rồi, hoa không mắc được.

Ngài Xá Lợi Phất nói :
– Thiên nữ ở nhà này đã được bao lâu ?
– Tôi ở nhà này như Ngài được giải thoát.
– Ở đây đã lâu ư ?
– Ngài giải thoát cũng lâu như thế nào ?

Ngài Xá Lợi Phất nín lặng không đáp.
Thiên nữ nói :
– Tại sao bực kỳ cựu (16) đại trí lại nín lặng ?

– Giải thoát không có ngôn thuyết, nên ở nơi đó ta không biết nói làm sao !

Thiên nữ nói :
– Ngôn thuyết văn tự đều là tướng giải thoát. Vì sao ? Vì giải thoát không ở trong, không ở ngoài, không ở hai bên, văn tự cũng không ở trong, không ở ngoài, không ở hai bên. Thế nên, Ngài Xá Lợi Phất, chớ rời văn tự mà nói giải thoát. Vì sao ? Vì tất cả pháp là tướng giải thoát.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi :
– Không cần ly dâm, nộ, si, được giải thoát ư ?

Thiên nữ nói :
– Phật vì kẻ tăng thượng mạn nói ly dâm, nộ, si là giải thoát thôi, nếu kẻ không tăng thượng mạn thời Phật nói tánh của dâm nộ, si là giải thoát.

Ngài Xá Lợi Phất nói :
– Hay thay, hay thay, Thiên nữ ! Nàng được cái gì, chứng cái gì mà biện tài như thế ?

Thiên nữ nói :
– Tôi không được, không chứng, mới được biện tài như thế. Vì sao ? -Nếu có được, có chứng thời ở trong Phật pháp là kẻ tăng thượng mạn (17).

Ngài Xá Lợi Phất hỏi Thiên nữ :
– Ở trong ba thừa (18) , ý nàng cầu thừa nào ?

Thiên nữ nói :
– Cần pháp Thanh Văn để hóa độ chúng sanh, tôi làm Thanh Văn; cần pháp nhơn duyên để hóa độ chúng sanh, tôi làm Bích Chi Phật, cần pháp đại bi để hóa độ chúng sanh, tôi làm Đại thừa. Thưa Ngài Xá Lợi Phất ! Như người vào rừng chiêm bặc (19), chỉ ngửi có mùi chiêm bặc, chứ không còn mùi hương nào khác. Cũng như người vào nhà này chỉ ngửi mùi hương công đức của Phật chớ không ưa ngửi mùi hương công đức của Thanh Văn và Bích Chi Phật.

Thưa Ngài Xá Lợi Phất ! Có những vị Đế thích Phạm Vương, Tứ Thiên Vương và chư Thiên, long thần, quỉ cả thảy vào trong nhà này nghe Thượng nhân đây giảng nói chánh pháp, đều ưa mùi hương công đức của Phật phát tâm rồi ra.

Thưa Ngài Xá Lọi Phất, tôi ở nhà này đã mười hai năm chưa từng nghe nói pháp Thanh Văn, Bích chi Phật, Chỉ nghe đại từ đại bi của Bồ Tát và những pháp bất khả tư nghị của chư Phật. Thưa Ngài Xá Lợi Phất ! Nhà này thường hiện ra tám pháp “chưa từng có, khó đặng”. Tám pháp là gì ?

Nhà này thường dùng ánh sáng sắc vàng soi chiếu ngày đêm không khác, chẳng cần ánh sáng của nhật nguyệt soi chiếu, đó là pháp “chưa từng có, khó đặng” thứ nhất, – Nhà này hễ ai vào rồi không còn bị các thứ cấu nhiễm làm não loạn, đó là pháp “chưa từng có khó đặng” thứ hai. – Nhà này thường có các vị Đế Thích, Phạm Thiên, Tứ Thiên Vương và các Bồ Tát ở phương khác nhóm họp không ngớt, đó là pháp “chưa từng có, khó đặng” thứ ba. – Nhà này thường nói sáu pháp Ba la mật và pháp bất thối chuyển, đó là pháp “chưa từng có, khó đặng” thứ tư. Nhà này thường trổi âm nhạc bực nhứt của trời, người, vang ra vô lượng tiếng pháp, đó là pháp “chưa từng có, khó đặng” thứ năm. – Nhà này có bốn kho tàng lớn chứa đầy các món báu, giúp khắp cho kẻ nghèo thiếu, hễ cầu liền được không bao giờ hết, đó là pháp “chưa từng có, khó đặng” thứ sáu. – Nhà này Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, Phật A Súc, Phật Bửu Đức, Phật Bửu Diệm, Phật Bửu Nguyệt, Phật Bửu Nghiêm, Phật Nan Thắng, Phật Sư Tử Hướng, Phật Nhứt Thiết Lợi Thành, vô lượng chư Phật trong 10 phương, khi Thượng Nhân đây niệm đến liền hiện tới rộng nói tạng pháp bí yếu của chư Phật, khi nói xong các Ngài đều trở về, đó là pháp “chưa từng có, khó đặng” thứ bảy. – Nhà này tất cả cung điện tốt đẹp của chư Thiên và các cõi Tịnh độ của chư Phật đều hiện ở trong đây, đó là pháp “chưa từng có, khó đặng” thứ tám.

Thưa Ngài Xá Lợi Phất ! Nhà này thường hiện ra 8 pháp “chưa từng có, khó đặng” như thế, ai thấy được việc không thể nghĩ bàn đó mà lại còn ham ưa pháp Thanh Văn ư ?
Ngài Xá Lợi Phất nói :
– Vì sao ngươi không chuyển thân nữ kia đi ?

Thiên nữ nói :
– Mười hai năm nay tìm kiếm mãi cái tướng nữ nhơn hẳn không thể đặng, phải chuyển đổi cái gì ? Ví như nhà huyễn thuật hóa ra một người nữ huyễn, nếu có người hỏi rằng : Sao không chuyển thân nữ đó đi ? Vậy người hỏi đó có đúng chăng ?

Ngài Xá Lọi Phất nói :
– Không đúng. Huyễn hóa không có tướng nhứt định còn phải chuyển đổi gì nữa.

Thiên nữ nói :
– Tất cả pháp cũng như thế, không có tướng nhứt định, tại sao lại hỏi không chuyển thân nữ ?

Tức thời Thiên nữ dùng sức thần thông biến Ngài Xá Lợi Phất thành ra Thiên nữ, Thiên nữ lại tự hóa mình giống như Ngài Xá Lợi Phất mà hỏi rắng : Tại sao Ngài không chuyển thân nữ đi ?

Ngài Xá Lợi Phất mang lấy hình tướng thân nữ mà đáp rằng :
– Ta nay không biết tại sao lại biến thành thân đàn bà này ?

Thiên nữ nói :
– Thưa Ngài Xá Lợi Phất ? Nếu Ngài chuyển được thân đàn bà đó, thời tất cả người nữ cũng sẽ chuyển được. Như Ngài Xá Lợi Phất không phải người nữ mà hiện thân nữ, thời tất cả người nữ cũng lại như thế, tuy là hiện thân nữ mà không phải người nữ đâu. Vì thế, Phật nói : tất cả các pháp không phải đàn ông, không phải đàn bà.

Bấy giờ Thiên nữ thu nhiếp thần lực, thân Ngài Xá Lợi Phất trở lại như cũ. Thiên nữ hỏi Ngài Xá Lợi Phất:
– Tướng đàn bà bây giờ ở đâu ?

Ngài Xá Lợi Phất đáp :
– Tướng đàn bà không ở đâu, mà ở tất cả.

Thiên nữ nói :
– Tất cả pháp lại cũng như thế, không ở đâu mà ở tất cả. Vả lại không ở đâu mà ở tất cả là lời Phật nói.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi Thiên nữ :
– Nàng ở nơi đây chết rồi sẽ sanh nơi đâu ?

Thiên nữ đáp :
– Phật hóa sanh thế nào, tôi cũng hóa sanh thế ấy.

Ngài Xá Lợi Phất nói :
– Phật hóa sanh không phải chết rồi mới sanh.

Thiên nữ nói :
– Chúng sanh cũng thế, không phải chết rồi mới sanh.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi Thiên nữ :
– Ngươi bao lâu sẽ chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ?

Thiên nữ đáp :
– Khi nào Ngải Xá Lợi Phất trở lại phàm phu, tôi sẽ được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Ngài Xá Lợi Phất nói :
– Có khi nào ta trở lại phàm phu.

Thiên nữ nói :
– Có khi nào tôi lại được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì sao? – Vì Bồ Đề không xứ sở nên không có được.

Ngài Xá Lợi Phất nói :
– Hiện nay các Phật chứng Bồ Đế vô thượng (A nậu đa la tam miệu tam bồ đề), các Phật đã chứng, sẽ chứng nhiều như số cát sông Hằng thời gọi là gì ?

Thiên nữ đáp :
– Đấy là theo số mục văn tự ở đời mà nói có 3 đời, chớ không phải nói Bồ Đề có quá khứ, vị lai và hiện tại.
– Thưa Ngài Xá Lợi Phất ! Ngài đặng đạo A la hán ư ?

Đáp : Không có đặng mà đặng.
Thiên nữ nói :
Các Phật, Bồ Tát cũng như thế, không đặng mà đặng.

Bấy giờ ông Duy Ma Cật bảo ngài Xá Lợi Phất :
– Thiên nữ này đã từng cúng dường 92 ức Đức Phật, đã được thần thông du hý của Bồ Tát, nguyện lực đầy đủ, chứng vô sanh nhẫn không có thối lui, vì theo bổn nguyện nên tùy ý mà hiện ra để giáo hóa chúng sanh.


Chú thích của Phẩm VII

1. Chúng sanh : Có ba nghĩa :
1) Tất cả loài có sự sống đều gọi là chúng sanh, như các loài động vật và thực vật, hữu tình và vô tình.
2) Chúng có nghĩa là rất nhiều ; Sanh nghĩa là sanh khởi : do năm ấm, các duyên hòa hợp thành những vật có sự sống tương tục, gọi là chúng sanh.
3) Trải qua nhiều phen sống chết luân hồi trong cảnh giới các loài hữu tình.

2. Đại thứ năm : Là vật không có. Chỉ có 4 đại : Địa, Thủy, Hỏa, Phong.

3. Ấm thứ sáu : Là vật không có. Chỉ có 5 ấm : Sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

4. Tình thứ bảy : Là vật không có, chỉ có sáu căn tình thức cảm giác là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

5. Nhập thứ 13 : Là vật không có, chỉ có 12 nhập là 6 căn xung nhập 6 trần.

6. Giới thứ 19 : Là vật không có. Chỉ có 18 giới là 6 căn nội giới, 6 trần ngoại giới và 6 thức trung giới.

7. Sắc thân cõi Vô Sắc : Là vật không có. Cõi Vô Sắc chỉ có 4 ấm : Thọ. tưởng, hành, thức về tâm pháp hợp thành loài hữu tình nơi đó, không có hình chất như cõi Sắc giới và Dục giới.

8. Thân kiến của Tu đà hoàn : Là việc không có. Tu đà hoàn là quả thứ nhứt trong 4 quả Thánh của Thanh Văn Tiểu thừa ; Tàu dịch là Dự lưu, nghĩa là dự vào giòng Thánh. Bực này đã phá được kiến hoặc (sự thấy biết mê lầm) ở trong 3 cõi, nên không còn quan niệm chấp thân là thật nữa.

9. Sự nhập thai của A na hàm : Là việc không có. A na hàm là quả thứ ba của Thanh Văn. Tàu dịch là Bất lai, nghĩa là bực này tu hành đã dứt hết chín phẩm tư hoặc (tư tưởng sai lầm) ở Dục giới, nên không còn thọ sanh trở lại cõi Dục nữa.

10. Tam độc của A la hán : Là việc không có. A la hán là quả thứ tư trong 4 quả Thanh Văn, Tàu dịch là Vô sanh. Bực này đã dứt hết phiền não mê lầm trong 3 cõi, nên không còn 3 thứ độc : Tham, Sân, Si nữa.

11. Hơi thở ra vào của người nhập Diệt tận định : Là việc không có. Vì người nhập Diệt tận định đã dứt hết hiện hành của 6 thức trước, nên không còn thở nữa.

12. Thạch nữ : Là người nữ không có sanh con. Nói con của Thạch nữ là thí dụ cho việc không có, cũng như nói lông rùa sừng thỏ.

13. Kiết sử : Các thứ phiền não ràng buộc thân tâm kết thành quả khổ gọi là kiết; đeo đuổi xui dục chúng sanh không ra khỏỉ sanh tử gọi là sử.
Kiết có 9 món :
1) Ái kiết : say đắm cảnh ngũ dục không rời.
2) Nhuế kiết : giận dữ bất bình đối với nghịch cảnh.
3) Mạn kiết : kiêu căng ngạo nghễ.
4) Vô minh kiết : ngu si mờ ám đối với lẽ chơn chánh.
5) Kiến kiết : tà kiến không tin nhơn quả.
6) Thủ kiết : vọng chấp sự hiểu biết không chơn chánh, và giới pháp sai lầm, làm lắm điều ác.
7) Nghi kiết : dụ dự không tin chơn lý, không tu hành theo hạnh chơn lý, làm nhiều điều không chơn chánh.
8) Tật kiết : ghen ghét những bậc hiền đức.
9) Xan kiết : keo sẻn không chịu bố thí, lại làm nhiều điều ác.
Chín điều này ràng buộc chúng sanh trong đường sanh tử, vì nó khiến chúng sanh gây nhiều tội lỗi.

Sử có 10 món, tức là 5 món Độn sử và 5 Lợi sử.
5 món Độn sử : 1) Tham dục sử, 2) Sân nhuế sử, 3) Vô minh sử, 4) Mạn sử, 5) Nghi sử.

5 món Lợi sử : 1) Thân kiến sử, 2) Biên kiến sử, 3) Tà kiến sử, 4) Kiến thủ sử, 5) Giới thủ sử.
Độn sử do sự chấp đắm mà có. Lợi sử do sự nhận thức sai lầm mà có. Cả hai đều gây nên phiền não xúi dục chúng sanh tạo nghiệp không ra khỏi ba cõi sanh tử.

14. Không trụ : Là dịch nghĩa của danh từ : “Vô trụ”. Các pháp toàn không có tự tánh, nên không có chỗ trụ trước, chỉ tùy theo duyên mà sanh khởi, nên gọi là vô trụ. Do vô trụ không có chỗ trụ trước, nên chẳng phải có, chẳng phải không; vì chẳng phải có, không, nên mới làm được cái gốc cho hiện tượng có, không của vạn hữu. Theo ý Ngài Duệ Công thì vô trụ tức là thật tướng, thật tướng tức là tánh không, chỉ là khác tên mà thôi.

15. Kiết tập : Tập khí phiền não kiết sử.

16. Kỳ cựu : Bực tuổi tác lão thành.

17. Tăng thượng mạn : Tự mình chứa đặng những pháp tăng thượng của bực thánh, chưa chứng quả thánh mà tự xưng là đã đặng chứng, khởi lòng ngã mạn, nên gọi là tăng thượng mạn.

18. Ba thừa : Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát.

19. Chiêm bặc : Tàu dịch là Kim sắc hoa thọ, hay huỳnh hoa thọ : nghĩa là cây hoa sắc vàng, có mùi hương bay rất xa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *