Sách Thiền TôngBí Kíp Thiền TôngTinh hoa Đạo Phật

Quyển 01: Tu theo Pháp môn nào của Đạo Phật dễ Giác Ngộ

✍️ Mục lục: Quyển 01: Tu theo Pháp môn nào của Đạo Phật dễ Giác Ngộ

14. Các Phù điêu tại Điện Tổ Thiền Tông

Tại Điện Tổ Thiền Tông này có năm phù điêu nói lên công thức tu thiền của hai phái Bắc truyền và phái Nam truyền, cũng như công thức tu thiền của thiền giả.

Phù điêu đối diện Tổ Bồ Đề Đạt Ma:

Là phù điêu công thức tu thiền của Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác, bằng 3 câu như sau:

– Lặng lặng, tĩnh tĩnh = Phải.
– Lặng lặng, loạn tưởng = Sai.
– Lặng lặng, hôn trầm = Trật.

Phù điêu bên vách phải Tổ:

Là phù điêu công thức tu thiền của phái Bắc truyền hay cũng gọi là Phát triển, tức dùng tâm Vật lý để Nghi, Tìm hay Kiếm, từ vật nhỏ như vi trần, lớn lao như hành tinh. Coi công dụng mỗi thứ như thế nào, hoặc nguyên do ra sao. Sau này, các vị Thầy chế ra thêm pháp quán Thoại Đầu; còn đại sư Trí Khải dùng quán hơi thở, đại sư gọi Pháp môn này là Đại thừa, Ngài gọi Pháp môn này là “Lục diệu Pháp môn?”.

Phù điêu công thức tu thiền của Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác tại điện Tổ Thiền Tông Chùa Thiền Tông Tân Diệu.

Pháp môn quán Thoại Đầu là, đặt nghi vấn đầu câu hỏi để quán, như:

– Trước lời nói là gì?
– Cái gì mang thân này đi?
– Cái gì là ta?
– V.v…

Cứ đặt câu hỏi, nghi vấn như vậy, cho đến khi nào vỡ lẽ ra là người nghi quán đã xong, tức hiểu đạo?

Còn pháp quán hơi thở như sau:

1. Sổ tức (đếm hơi thở).
2. Tùy tức (theo hơi thở).
3. Chỉ (dừng, không theo hơi thở nữa).
4. Quán (tưởng hơi thở coi công dụng như thế nào?).
5. Hoàn (cho hơi thở trở về bình thường).
6. Tịnh (kiềm cho hơi thở được Thanh Tịnh). Thường thường hành giả tu theo pháp quán hơi thở này chỉ cần ba pháp là đủ:

1- Sổ tức.
2- Tùy tức.
3- Tịnh.

Tu tắt như vậy nhanh và mau kết quả hơn, vì khi hành giả kiềm cho hơi thở mình được Thanh Tịnh rồi, cố gắng luôn luôn cho hơi thở mình được Thanh Tịnh, thuần thục được một thời gian, nếu hành giả có duyên lớn, sẽ nhận được cái Thanh Tịnh Phật Tánh của chính mình.

Phù điêu công thức tu thiền của phái Bắc truyền, cũng gọi là Phát triển, nêu tại Chùa Thiền Tông Tân Diệu.
Phù điêu vách bên trái Tổ là công thức tu thiền của phái Nam truyền hay cũng gọi là Nguyên thủy là dùng:

– Quán, tưởng, nhỏ ra lớn.
– Cầu mong những điều kỳ diệu.

Quán, tưởng, cầu mong này, là sử dụng một trong 37 pháp quán và tưởng hay cầu mong như:

– Quán, tưởng vật nhỏ ra lớn.
– Quán hơi thở, như Ngài Trí Khải đại sư.
– Quán tứ niệm xứ, xem coi đất, nước, gió, lửa là gì? Công dụng ra sao?
– Quán thân bất tịnh, và thấy được thân nhơ nhớp của mình!
– Quán vạn vật đều là vô thường!
– Quán tất cả cái gì có hình tướng đều là vô ngã v.v…

Tu theo Pháp môn này chỉ đạt được bốn quả vị Thánh là:

1. Tu Đà Hoàn.
2. Tư Đà Hàm.
3. A Na Hàm.
4. A La Hán.

Chứ không phải đi vào đường của Bồ Tát hay Phật.

Phù điêu công thức tu thiền của phái Nguyên thủy, cũng gọi là Nam truyền tại Chùa Thiền Tông Tân Diệu.

Phù điêu trước mặt Lục Tổ Huệ Năng là phù điêu nơi bến Cửu Giang, cảnh Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đưa Lục Tổ qua sông về phương Nam, truyền giáo pháp Thiền Tông này.

Một câu nói của Lục Tổ, làm người tu hành theo Thiền Tông hết sức xúc động và ngậm ngùi:

– Khi mê, con nhờ thầy độ.
– Nay, con đã ngộ rồi, con xin tự độ lấy con.

Phù điêu tại bến Cửu Giang, nơi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn tiễn Lục Tổ Huệ Năng qua sông để về phương Nam.

Phù điêu trước mặt Sơ Tổ Trúc Lâm:

Là phù điêu nơi động Thiếu Thất tại Chùa Thiếu Lâm, cảnh Tổ Bồ Đề Đạt Ma ngồi quay mặt vào vách đá chín năm không nói một lời.
Đây là cốt truyện Ngài và vua Lương Võ Đế đối đáp. Vua Lương Võ Đế tuy giảng được tất cả các kinh điển Đại thừa, nhưng vua lúc nào cũng bị kinh chuyển, chứ vua không bao giờ chuyển được kinh. Do vậy, vua không thể nào nhận ra yếu chỉ của kinh được, nên khi vua đối đáp với Tổ, Tổ chỉ nói đúng theo chân thật của Thiền Tông, làm vua Lương Võ Đế bàng hoàng. Vua Lương Võ Đế là vị vua tu đầy đủ phước đức, còn Công đức Nhà vua không thâm nhập được.

Vì sao vậy?
Vì Ngài tu mà còn theo hình tướng, hay nói đúng hơn, là Ngài tu theo chiều Vật lý, cũng có nghĩa là tu theo cái dụng của đạo, nên không nhập được cái thể của đạo. Bởi vậy, khi Tổ dùng các ngôn từ chính xác của Thiền Tông học, làm tâm Nhà vua bị đảo lộn. Vì vậy, Tổ đành sang nước Bắc Ngụy, đến Chùa Thiếu lâm, vào động Thiếu Thất, ngồi quay mặt vào vách đá suốt chín năm không nói một lời nào.

Video (Trích đoạn)

✍️ Mục lục: Quyển 01: Tu theo Pháp môn nào của Đạo Phật dễ Giác Ngộ 👉  Xem tiếp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *