Bí Kíp Thiền TôngSách Thiền TôngTinh hoa Đạo Phật

Quyển 04: Những câu hỏi Thiền Tông – Tập 2

✍️ Mục lục:

VỊ THỨ 13

Thầy giáo Mạc Đăng Quốc, sanh năm 1950, tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Cư ngụ thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hỏi 5 câu:
– Kính Trưởng Ban, tôi có đọc các quyển sách của tác giả Nguyễn Nhân, Thầy giải rất hay về Thiền Tông học của Nhà Phật. Tôi có thắc mắc như sau, xin Trưởng Ban vui lòng giải thích cho, xin cám ơn:
– Tu Tứ Niệm Xứ là tu làm sao, để được cái gì?
– Thọ Bát Quan Trai để làm gì?
– Trong kinh có nói nhiều cõi Trời, nhưng sao hiện nay các Nhà Khoa học họ dùng phi thuyền đi đến các hành tinh khác, hoặc họ dùng kính viễn vọng, sao không thấy cõi nào có người ở, chỉ thấy có các hành tinh chết thôi?
– Núi Tu Di là núi nào, ở đâu trên Trái Đất này?
– Khổ, tập, diệt, đạo, là tu làm sao và được cái gì?

Trưởng Ban Quản trị Chùa trả lời:
Câu 1: Tứ Niệm Xứ được giải thích như sau:
– Tứ là bốn.
– Niệm là nhớ.
– Xứ là nơi.
Căn bản người tu này là dùng “Tuệ Tri”, tức cái hiểu biết chân thật rõ ràng của chính mình, để biết tất cả những cử chỉ hay hành động của chính mình.
Ví dụ:
– Khi ăn, chỉ biết ăn. Khi đi, chỉ biết đi. Khi ngồi, chỉ biết ngồi. Khi nằm, chỉ biết nằm, v.v… Tâm Vật lý của mình chỉ chăm chú vào việc ấy, không được phép biết việc khác.
– Tu Tứ Niệm Xứ là để biết rõ ràng những gì mà người tu muốn biết.

Câu 2: Thọ Bát Quan Trai là dùng bữa cơm Thanh Tịnh của Nhà Phật có kèm theo 8 phần dạy của Đức Phật. Căn bản Thọ Bát Quan Trai, là áp dụng cho các vị cư sĩ tại gia, như một vị thầy Tỳ kheo đúng nghĩa của Nhà Phật tu vậy.
Về giới: Phải thực hành triệt để 5 giới của một cư sĩ, và giữ thêm 3 giới nữa là, Thân, Khẩu, Ý, cũng phải triệt để Thanh Tịnh, trong suốt thời gian thực hành Pháp môn này, không được suy nghĩ bất cứ việc gì, dù là một mái động suy nghĩ thật nhỏ, tuyệt đối không được hé môi! Pháp môn Thọ Bát Quan Trai quan trọng nhất là ở điểm này, nếu ai không thực hiện được thì đừng thọ, nếu thọ mà vi phạm sẽ bị Quả báo thật nặng nề!

Nghĩa của Thọ Bát Quan Trai:
Thọ là nhận.
Bát là tám, là tám giới như sau: 5 giới của một cư sĩ và 3 giới của một vị tu theo Thiền Tông, gồm: thân, khẩu, ý, phải thật sự Thanh Tịnh.
Quan là cửa.
Trai là bữa cơm Thanh Tịnh.

Đây là lối tu có kết quả như ý. Ngày xưa, Đức Phật dạy Pháp tu này là do lời thỉnh cầu của vợ ông quan Tể tướng, nước Ca Tỳ La Vệ, là bà Di Đề Hy. Bà muốn ăn một bữa cơm Thanh Tịnh để tăng phước cho gia đình và đất nước.
Đây là lối ăn cơm Thanh Tịnh, sử dụng tuyệt cao của Nhân Quả nơi Thế Giới này! Vì vậy, người thực hành đúng, phước báu cao hơn một sốcõi Trời chớ chẳng phải thường. Trái lại, khi Thọ Bát Quan Trai mà làm sai, thì Quả báo cũng không lường trước hết được! Vì chỗ quá vi diệu ấy, nhiều người có tâm muốn trả thù ai, họ sử dụng bữa cơm này để thỏa mãn lòng căm hờn của họ.
Cũng vì cái vi diệu ấy, hiện nay nhiều người Thọ Bát Quan Trai, họ lại cầu mong, như: Muốn lên cõi Trời nào đó để làm chúa, còn ở nhân gian làm vua, hoặc là giàu sang phú quí hơn người! Làm mất đi cái thanh cao của Thọ Bát Quan Trai mà Đức Phật đã dạy nơi Thế Giới này!

Câu 3: Trong Nhà Phật dạy, trong một Tiểu thiên Thế Giới có 3 cõi gồm:
Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.

Cõi chúng ta đang sống là Dục giới, còn cõi của Đức Phật A Di Đà là Sắc giới, mà cách chúng ta đến mười muôn ức cõi, tức cách chúng ta mười muôn tỷ cõi. Các nhà khoa học hiện nay họ dùng phi thuyền bay đi xa lắm đến được vài hành tinh gần ta nhất là vài triệu cây số; còn họ dùng viễn vọng kính chỉ thấy vài triệu hành tinh chung quanh chúng ta, chưa thể nào đến cõi hữu sắc được.
Còn cõi Vô sắc là cõi chỉ sử dụng tư tưởng giao tiếp với nhau thôi, không hình sắc thì làm sao người có sắc và dục như chúng ta thấy được?

Còn các nhà khoa học họ bảo, các hành tinh chung quanh chúng ta là hành tinh chết. Không phải, hành tinh đó là những hành tinh “vật tư” để làm ra những hành tinh có sự sống, qua cái máy khổng lồ là “Lỗ đen Vũ Trụ”, do sức hút của điện từ Âm Dương, bởi trời Tứ Thiên Vương điều khiển.
Trời Tứ Thiên Vương trong Vũ Trụ, ví như ở Trái Đất chúng ta là những tập đoàn xây dựng vậy. Vua trời Tứ Thiên Vương ví như những vị Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn. Khi có một hành tinh nào bị tan rã, tức khắc vị ấy điều động cho ra một hành tinh khác để thế chỗ hành tinh vừa bị tan rã đó. Sự hình thành ra một hành tinh phải trải qua cả tỷ năm, tính theo thời gian ở Trái Đất của chúng ta. Chứ Trời Tứ Thiên Vương không có ban phước giáng họa cho ai, mà Ngài chỉ có một chức năng là điều hành Nhân Quả. Cũng như trên Trái Đất này Chính phủ mỗi nước điều hành quốc gia mình theo luật Pháp vậy.
Ở Trái Đất: Nước, cây, đất, đá, sắt, thép, v.v… là những vật tư để chúng ta xây dựng nhà máy, cầu đường, nhà cửa, theo nhu cầu mỗi nơi.

Câu 4: Núi Tu Di không phải ở Trái Đất này, mà là ở giữa 4 châu trong Vũ Trụ, nằm trong Thái Dương hệ.

Bốn châu đó là:
– Đông Thắng Thần châu.
– Tây Ngưu Hóa châu.
– Bắc Cô Lôi châu.
– Nam Thiện Bội châu.
Nam Thiện Bội Châu là Trái Đất chúng ta đang ở, Đức Phật gọi Thế Giới này là Nam Diêm Phù Đề. Tất cả các châu trên thuộc về Dục giới.
Mà núi Tu Di nằm giữa 4 châu nói trên, chứ không phải ở trên Trái Đất chúng ta đang ở.

Câu 5: Đầu tiên, Đức Phật “Vào được Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh”, Ngài thấy có 2 phần như sau:

1- Trong Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh là Thanh Tịnh và Tự nhiên, Như Lai gọi là Mười Phương, trong này không có lực hút của Vật lý mà có 4 phần như sau:
A- Trong Mười Phương này là do Điện Từ Quang lưu giữ.
B- Cái mênh mông mà trùm khắp Ngài gọi là Phật.
C- Trong Mười Phương này có cái Ý, mà cái Ý này nó tự hằng phát ra 4 thứ như sau không giới hạn và Ngài gọi là trùm khắp:

A- Cái hay Thấy, Ngài gọi là hằng Thấy,
B- Cái hay Nghe, Ngài gọi là hằng Nghe,
C- Cái hay rung động, Ngài gọi là hằng Pháp, mà chúng ta gọi là Tiếng,
D- Cái hay Biết, Ngài gọi là Tri.

Ngài thấy mênh mông trong Càn khôn Vũ Trụ là có như sau:
– Có Hằng Hà sa số hành tinh được phân chia:
– Có từng cụm một, mỗi cụm có một mặt trời, một mặt trăng, có nhiều cụm có nhiều mặt trăng và vô số ngôi sao. Ngài gọi cụm này là Thái Dương hệ, tức hệ Mặt Trời. Một ngàn Thái Dương hệ Ngài gọi là Tiểu thiên Thế Giới. Một ngàn Tiểu thiên Thế Giới nhân cho 1.000 nữa, số này Ngài gọi là Trung thiên Thế Giới. Số ra của Trung thiên Thế Giới, nhân cho 1.000 nữa, số ra này là Đại thiên Thế Giới; mà Ngài thấy trong Càn khôn Vũ Trụ này có Hằng hà sa số Tam thiên Đại thiên Thế Giới.
Vì sao Đức Phật dạy như vậy?
Ngài có đưa ra ví dụ như sau:

Như chúng ta đem nhiều lần tỷ số cát sông Hằng ra đếm, số cát của nhiều tỷ sông Hằng đó, cũng chưa bằng số Tam thiên Đại thiên Thế Giới trong Càn khôn Vũ Trụ này!
Đức Phật lại dạy rõ:
Trong một Thái Dương hệ có 6 đường Luân hồi:

Một A: Cõi Trời: Có 33 cõi, gồm cõi Trời Dục giới cấu tạo bằng Tánh của các loài Trời và Tứ Đại, nghiệp của cõi Trời và điện từ Âm Dương.

Một B: Cõi Trời Hữu sắc, cấu tạo bằng ánh sáng màu sắc rực rỡ của điện từ Âm Dương, Tánh của các loài Trời Thanh Tịnh do dụng công tu mà được, nên nghiệp rất vi tế.

Một C: Cõi Trời Vô sắc, cấu tạo bằng ánh sánh Tự nhiên của điện từ Âm Dương, Tánh của các loài Trời, Tánh của các loài Trời này rất trong suốt, khi phát ra: Thấy, Nghe, Pháp, Biết, rất vi tế và nhỏ nhiệm, cho nên nghiệp người sống trong các cõi Trời này cũng thật nhẹ nhàng và Thanh Tịnh.

Hai: Cõi Thần: Trong chữ Phạn gọi là A Tu La. Cõi nầy cấu tạo bằng ánh sáng ngũ sắc của điện từ Âm Dương, Tánh của các loài Thần này là do họ làm phước nhiều nhưng hay kể công và nóng giận. Vì vậy, các loại Thần này, ai kính lạy cầu xin họ, họ đứng ra rút phước của chính mình đã tạo từ nhiều đời trước để mình sử dụng cho hiện tại; còn ai phỉ báng họ, họ sẽ giáng họa không thể tránh khỏi!

Ba: Cõi Người: Mỗi cá thể của Người, nằm trong vỏ bọc cấu tạo bằng điện từ Âm Dương đang điều hành Trái Đất này. Trong mỗi vỏ bọc của Tánh Người có đến 16 thứ: Thọ, tưởng, hành, thức, tài, sắc, danh, thực, thùy, tham, sân, si, mạng, nghi, ác, kiến. Bên ngoài 16 thứ trên lại bị bao phủ đến 8 muôn 4 ngàn những thứ ảo giác nữa. Trong cái vỏ bọc Tánh Người là tổng số nghiệp mà cá thể đó đã tạo ra từ vô lượng kiếp trước. Vì vậy, loài Người không khi nào hòa thuận với nhau được; kể cả người thân nhất của mình.
Vì sao vậy?

Vì loài Người vào sống nơi Thế Giới này có 3 trường hợp:
– Đến, để trả nợ.
– Đến, để đòi nợ.
– Đến, không đòi mà cũng không trả.

Bốn: Cõi Súc sanh: Cá thể súc sanh nào cũng nằm trong cái vỏ bọc của Tánh thú, cấu tạo bằng điện từ Âm Dương. Hình thể của súc sanh cấu tạo bằng Tứ Đại, nghiệp lười biếng, ham ăn mê ngủ và thích dục lạc.

Năm: Cõi cô hồn: Cá thể cô hồn nào cũng cấu tạo bằng vỏ bọc bằng điện từ Âm đến 70 > 80%, còn điện từ Dương chỉ có từ 20 > 30% thôi. Vì phần Âm có quá nhiều, nên loài này hay nói họa phúc cho người khác.

Sáu: Cõi Địa ngục có 18 tầng bậc: Cá thể của Tánh Người nằm trong vỏ bọc cấu tạo bằng điện từ Âm đến 99%. Nghiệp của loài này là giết rất nhiều loài khác. Giết hại những vị Thánh. Giết hại cha mẹ mình. Giết hại những vị tu hành chân chánh. Đặc biệt giết hại những vị phổ biến chánh Pháp của Đức Phật dạy nơi Thế Giới này!

Vì Đức Phật thấy và hiểu biết như vậy, Ngài muốn đem sự hiểu biết của mình dạy lại cho người khác, nhưng không thể nào nói cho người khác nghe được, nên Đức Phật sử dụng phương tiện để dạy cho nhiều người biết. Ban đầu Đức Phật chỉ nổi có 4 chữ là Khổ – Tập – Diệt – Đạo.

Ý nghĩa 4 chữ này như sau:
Khổ: Trong 6 nẻo Luân hồi, dù sống ở đâu cũng Khổ!
Tập: Đức Phật dạy, các vị muốn hết khổ, thì không sử dụng Tánh của 6 loài nói trên, các vị tập từ từ sẽ diệt được các Tánh ấy.
Diệt: Khi các Tánh ấy không bám theo quý vị, thì quý vị sẽ biết đường Giải Thoát.
Đạo: Đạo là đường, mà đường này mới chỉ là đầu đường thôi, các ông muốn không bị đi trong 6 nẻo Luân hồi, phải đợi khi Như Lai tuyên dạy Pháp môn “Thanh Tịnh Thiền”, thì các vị mới đi đến đích được.

Thầy giáo Mặc Đăng Quốc lại hỏi:
– Người tu theo Thiền Tông làm sao để được “Rơi vào Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh”?

Trưởng Ban trả lời:
– Phần này, chúng tôi không biết phải trả lời ra sao, xin lấy câu hỏi của Ngài Phú Lâu Na, là đệ tử lớn của Đức Phật, hỏi Đức Phật như sau:
– Kính bạch Đức Thế Tôn, con làm sao để được “Rơi vào Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh”?

Đức Phật dạy ông Phú Lâu Na:
– Như Lai không thể nói rõ chỗ này được, mà Như Lai chỉ đưa ra hình ảnh sau đây để ông tự hiểu: Như con chim đang bay trên hư không, lúc nó hoạt cánh nhiều để bay nhanh, hoạt cánh nhẹ để bay từ từ, có lúc nó không hoạt cánh, mà dùng đôi cánh để lượn, như vậy con chim có bị rơi xuống đất không?

Ngài Phú Lâu Na thưa:
– Kính bạch Đức Thế Tôn, không.

Tại sao không, Đức Phật hỏi:

Ngài Phú Lâu Na trình thưa:
– Vì đôi cánh của nó còn xòe, nhờ tựa không khí nên con chim không rơi xuống đất được.

Đức Phật hỏi ông Phú Lâu Na:
– Nếu con chim nó muốn rơi xuống đất, thì nó phải làm sao?

Ngài Phú Lâu Na trình thưa với Đức Phật:
– Con chim ấy, nó phải xếp đôi cánh lại, tức khắc nó sẽ được rơi.

Đức Phật hỏi Ngài Phú Lâu Na:

Nguyên lý con chim không được rơi, ông đã hiểu; còn ông không được “Rơi vào Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh”, ông có biết tại sao không?

Ngài Phú Lâu Na trình thưa với Đức Phật:
– Nhờ Như Lai đưa ra nguyên lý này, nên con đã hiểu tại sao con Thanh Tịnh hoài mà không được rơi, vì con bị 3 nguyên do như sau:

Thứ nhất: Tuy Tâm Vật lý của con đã Thanh Tịnh, nhưng trong Tàng thức của con nó còn đầy ắp những thứ Vọng tưởng mà con đã huân vào từ vô lượng kiếp đến nay. Khi tâm con vừa Thanh Tịnh, tức khắc những thứ trong Tàng thức của con lại tuôn ra. Do vậy, Tâm Vật lý của con khó mà Tự nhiên Thanh Tịnh được.

Thứ hai: Vì nghiệp con đã tạo ra trong Tam Giới này quá nhiều, đồng nghĩa tần số của con quá nặng (Âm), nên khó mà trồi lên để cân bằng với làn sóng của Điện Từ Quang. Do đó, con không được làn sóng Điện Từ Quang hút vào, gọi là “Rơi”.

Thứ ba: Tánh Người của con bị 8 muôn 4 ngàn những thứ ảo tưởng che khuất, cho nên khó nhận ra cái hay Thấy hoặc hay Nghe của Ý trong Phật Tánh Thanh Tịnh được.

Đức Phật dạy ông Phú Lâu Na:
– Ông muốn dễ dàng được “Rơi vào Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh” duy nhất chỉ có một cách sau đây, nếu ông muốn, Như Lai sẽ dạy cho:

Ngài Phú Lâu Na liền quỳ gối trịch vai áo bên phải, lạy Đức Phật 3 lạy và thưa:
– Kính bạch Đức Thế Tôn, con rất muốn nghe, vậy kính xin Đức Thế Tôn dạy con:

Đức Phật hỏi ông Phú Lâu Na:
– Ở nơi Thế Giới Dục giới này, ông có biết tạo ra Phước đức, tạo ra Công đức để làm gì không?
Ngài Phú Lâu Na trình thưa với Đức Phật:
– Chúng con tạo ra Phước đức là để hưởng phước cao hơn; còn Công đức thì con không hiểu, kính xin Đức Thế Tôn dạy rõ cho chúng con?

Đức Phật dạy ông Phú Lâu Na về tạo ra Công đức và Phước đức:

– Như ông đã biết, người tạo ra Phước đức là để được hưởng, vì hưởng nên phải giữ lấy, vì giữ lấy nên dính vào và đi theo dòng Luân hồi của nó. Như Lai dạy rõ Phước đức có hình tướng nơi Thế Giới Vật lý này như sau:
Ở Thế Giới Vật lý này người có Phước đức nhiều như mình có nhiều tiền giấy vậy. Phước đức dù có nhiều bao nhiêu đi chăng nữa, khi bị lửa đốt vào, đống tiền giấy ấy sẽ cháy tiêu hết!

– Còn Công đức, người tạo ra nó, giống như tạo nhiều vàng ròng vậy. Dù lửa có đốt nó nó cũng không sao, nếu đốt lâu thì vàng ròng ấy chỉ chảy ra chớ nó không hao hụt.

Ngài Phú Lâu Na trình thưa với Đức Phật:
– Như vậy, chúng con tạo ra Công đức bằng cách nào, kính xin Đức Thế Tôn dạy chúng con?

Đức Phật dạy ông Phú Lâu Na và đại chúng:
– Các ông phải hiểu rõ 2 nguyên do như sau:
– Các ông tạo ra Phước đức, là các ông bỏ tiền của ra và Cầu, Mong; các ông cầu, Mong đến đâu là các ông được đến đó, với một điều kiện là, số tài vật của các ông tương đương với sự Cầu, Mong của mình.
– Các ông muốn tạo ra Công đức không phải dễ.

Vì sao không phải dễ?
– Vì người nào muốn tạo ra Công đức phải đạt được 1 trong 3 phần như sau:

Phần thứ nhất: Phải Giác Ngộ “Yếu chỉ Thanh Tịnh Thiền”.
Phần thứ hai: Phải đạt được “Bí mật Thanh Tịnh Thiền”.
Phần thứ ba: Phải được “Rơi vào Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh” .

Đức Phật dạy rõ về tạo ra Công đức:

– Vị nào đạt được các thứ trên, muốn tạo ra Công đức thì phải làm như sau:
1- Đem Pháp môn Thanh Tịnh Thiền này, nói cho vị nào đó nghe, nếu họ biết căn bản Pháp môn Thanh Tịnh Thiền này, thì người nói đó được một phần Công đức nhỏ. Vị nào nghe mà đạt được “Bí mật Thanh Tịnh Thiền”, thì người nói đó được một phần Công đức vừa. Vị nào nghe mà được “Rơi vào Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh”, thì người nói đó được vô lượng Công đức.

Thầy giáo Mạc Đăng Quốc, nghe Trưởng Ban trả lời hết các câu hỏi của mình, thầy có nói:

– Không biết tôi có đại phúc như thế nào, mà hôm nay đến đây được nghe Trưởng Ban chỉ cho chúng tôi biết hết cốt tủy của Đức Phật dạy, chúng tôi xin chân thành cám ơn.

Video (Trích đoạn)

✍️ Mục lục: Quyển 04: Những câu hỏi Thiền Tông – Tập 2 – Xem tiếp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *